Washington và Moscow từ lâu đã phủ nhận việc tiến hành các hoạt động mạng chống lại nhau, nhưng Tổng giám đốc Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ Paul Nakasone tuần trước đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Sky News rằng cơ quan tình báo mạng của Lầu Năm Góc đã tham gia vào thực hiện các hoạt động mang tính chất "tấn công" và "phòng thủ", cũng như "thông tin", nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Vài ngày sau bình luận của quan chức quân sự cấp cao Mỹ, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin Andrey Krutskikh đã cáo buộc Washington "gây hấn mạng chống lại Nga và các đồng minh" trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Kommersant.
Ông khẳng định: "Hãy yên tâm, Nga sẽ đáp trả lại bất kỳ hành động gây hấn nào".
Krutskikh, Cục trưởng Cục An ninh Thông tin Quốc tế của Bộ Ngoại giao Nga, lưu ý rằng "tất cả các động thái đáp trả sẽ được nghiên cứu và nhắm mục tiêu phù hợp với luật pháp của Moscow và luật quốc tế".
Bên cạnh đó, ông Krutskikh lập luận rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi hậu thuẫn cho Kiev.
"Các thể chế nhà nước, cơ sở hạ tầng xã hội và đặc biệt là lưu trữ dữ liệu cá nhân của công dân Nga cũng như người nước ngoài sống ở Nga đang bị ảnh hưởng", ông Krutskikh nói. "Các quan chức ở Mỹ và Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ phá hoại. Họ dường như không nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của những hành động này, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh thông tin".
Sau đó, ông liệt kê những bằng chứng về hoạt động chống lại Nga, chủ yếu liên quan đến các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS), sử dụng các máy chủ nước ngoài có trụ sở ở Mỹ và Đức.
Vào tháng trước, ông tuyên bố: "Hơn 65.000 tin tặc từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và các nước Liên minh châu Âu (EU) thường xuyên tham gia các cuộc tấn công phối hợp DDoS vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của đất nước chúng tôi, bao gồm cả dịch vụ lưu trữ video Rutube. Tổng cộng, 22 nhóm hacker có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp chống lại Nga".
Ông cũng cáo buộc Mỹ đã nới lỏng các quy tắc của mình để tiến hành các hoạt động tấn công chống lại Nga, gọi đây là "điều đáng báo động".
Nếu không suy giảm, ông cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra trong thế giới thực, bao gồm cả một cuộc giao tranh trực diện giữa hai cường quốc vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.
"Việc phương Tây quân sự hóa không gian thông tin và nỗ lực biến nó thành một đấu trường giữa các nước đã làm gia tăng đáng kể mối đe dọa về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với những hậu quả khó lường", ông Krutskikh nói. "Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại rằng việc sử dụng 'vũ khí ảo' một cách thiếu kiểm soát sẽ không dẫn đến bất kỳ điều tốt đẹp nào".
Newsweek đã liên hệ với Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ để bình luận việc này.