Triển lãm khai mạc từ ngày 10/6, gồm 33 tranh trừu tượng. Ngoài gần 20 triển lãm nhóm, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Trần Vĩnh Thịnh, hai lần đầu diễn ra năm 1998 tại Nha Trang và tại Đà Nẵng.
Trước đây, Trần Vĩnh Thịnh đạt được sự đa dạng trong sắc vàng cửa Phật qua những bức tranh thu hút sự chú ý của người xem bởi tính hài hòa, rực rỡ mà nhiều cấp độ thâm sâu, phải là người từng tu hành mới cảm nhận trọn vẹn. Giờ đây, anh đã có sự chuyển dịch sang màu đen, xanh, trắng, len lỏi trong sắc vàng còn sót lại tươi mới hơn.
Với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, của quan niệm, của cách thế nhìn.
Trần Vĩnh Thịnh sinh ra tại Thuận An, đến năm 14 tuổi thì vào chùa, sau gần 10 năm thì xin trở ra, lang bạt kỳ hồ, trước khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Khánh Hòa. Quê xứ Thừa Thiên-Huế, nơi còn nhiều gốc tích cung đình và những năm tháng ở chùa đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bảng màu vàng-đen, vốn làm nên phong cách trừu tượng và một phần sức hút của tranh Trần Vĩnh Thịnh.
Khi chuyển sang xanh-đen-trắng, Trần Vĩnh Thịnh tự do hơn, trần thế hơn và buông lỏng hơn, vài bức phảng phất chất thư pháp bị xóa nhòa. Tuy Từ trong vô tận được sáng tác trong một thời gian ngắn, chỉ vài tháng của năm 2022, nhưng lại là kết quả của sự chiêm nghiệm trong rất nhiều năm, nhất là ký ức về giai đoạn lưu lạc khắp miền Trung trước đây. Trần Vĩnh Thịnh nói rằng các con đường miền Trung thời tuổi trẻ là chủ đề và ý niệm chính của Từ trong vô tận.
"Mỗi họa sĩ ai cũng thích tranh của mình đến được với công chúng. Điều tôi tâm đắc ở triển lãm này là từ 60 bức chọn còn một nửa, nghĩa là có sự chuẩn bị khá kỹ càng. Hơn thế nữa, tôi kết hợp thư pháp (lúc nhỏ học chữ Hán). Trong thời gian vẽ loạt tranh màu vàng, tôi đã nghĩ đến thư pháp và chờ đến thời điểm thích hợp để ứng dụng đam mê thư pháp vào trong tác phẩm hội họa của mình.
Trừu tượng là phong cách mà tôi đam mê, gần 30 năm qua cũng vẽ trừu tượng. Sau này vẽ hoàn toàn tranh trừu tượng, tôi cũng nghĩ rất nhiều và luôn muốn tìm kiếm, khai thác vấn đề sâu hơn cho mỗi tác phẩm. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy mọi thứ thật gần mà cũng thật xa, vì vậy tôi không còn nghĩ vẽ gì và vẽ như thế nào nữa. Và dĩ nhiên, tôi luôn muốn đến được sự tối giản, rỗng lặng nhất", Trần Vĩnh Thịnh chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, triển lãm là "cuộc hạnh ngộ giữa những nét tung hoành của thư pháp và tranh trừu tượng, là những thăng hoa của cảm xúc, dường như không có điểm đến, mà nó cứ liên tiếp biến thiên cho đến vô cùng.
Trần Vĩnh Thịnh thổ lộ, những đường bút thấm nhuần xúc cảm nội tại của thư pháp và màu sắc phản ánh cảm thức vô bờ này không ngừng phát triển trong tiềm thức, cứ như vậy trao tặng người họa sĩ cảm hứng sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng".
Họa sĩ Phan Thiết nhận xét: "Trần Vĩnh Thịnh, người con xứ Huế, có số phận tuổi thơ thấm đẫm Phật giáo, nên khi trở thành hoạ sĩ, tranh anh cũng từng thấm đẫm sắc vàng... Màu vàng ấy là chặng đường "sắc nhiễm", là lý trí tu tập của anh.
Và nay tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh "vượt thoát" ám ảnh số phận để tâm thức Thịnh, tâm tình Thịnh… khởi cuộc riêng từ "từ trong vô tận" bước ra vô tận bên ngoài của hành trình hội họa ngày càng riêng tư hơn...
Là người đã xem "thời vàng" của Thịnh, nay xem "black time" của Thịnh, thấy tranh Từ trong vô tận đã thực sự hé mở cái vô tận bên ngoài của Trần Vĩnh Thịnh... Và đó là luân hồi, là vô tận của sáng tạo... Trong cảm thức Thịnh đã nối được sắc vàng số phận với "black time" của đời người bằng sợi dây vô hình vô tận".
Nói như PGS-TS Phan Thanh Bình, "tranh của Thịnh xa dần những khoảng trống gợi nhớ xa xăm, trở nên lắng trầm suy tư với những vệt đen đan xen, những mảng trắng đen chồng lấp và chợt lóe sáng đâu đó chút cam vàng, xanh bích và rồi bỗng tan biến.
Đó phải chăng là một cách tiếp cận khác về trừu tượng của Thịnh khi họa sĩ muốn phá cách, đổi mới chính mình và tìm tòi, đi vào những thử thách khác đầy nghĩ suy và hướng nội hơn bao giờ hết ».