Chi tiền tỷ trồng rừng… lại để mất rừng
Những ngày đầu tháng 6/2022, đi dọc một số cánh rừng tự nhiên giáp ranh với đất sản xuất của người dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, rất dễ bắt gặp một số cây rừng tự nhiên và rừng trồng chết bất thường.
Tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn là một trong nhiều tiểu khu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Công ty Sông Kôn) trồng các loại cây keo lai, sao đen để phục hồi rừng theo chủ trương của tỉnh Bình Định vào năm 2014, tổng diện tích 26 ha. UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý việc cấp kinh phí cho Công ty Sông Kôn trồng 26 ha rừng, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra vào cuối năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện đã có 14,86 ha đất rừng (diện tích không có rừng 5,19 ha) bị người dân phá, lấn chiếm. Công ty đã chuyển giao địa phương quản lý 5,7 ha và hiện chịu trách nhiệm đối với 9,16 ha đất rừng trồng bị lấn chiếm.
Theo ghi nhận của phóng viên, phía dưới rừng trồng bị tàn phá, người dân đã trồng sắn. Trong khu vực rừng tự nhiên giáp ranh rừng trồng cũng có rất nhiều cây rừng hàng chục năm tuổi chết khô.
Điểm chung của các cây này là tình trạng bị gọt vỏ hoặc đục một lỗ trên thân cây, thậm chí có cây bị bỏ thuốc. Điều đáng nói, sự việc kéo dài nhiều năm nhưng công ty này không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
"Họ phá ban đầu rất ít, mỗi lần tác động 3 đến 5 cây, dùng các vật sắt gọt vỏ xung quanh. Thuốc thì chỉ mới xuất hiện, với thủ đoạn đục một lỗ rất nhỏ, đổ thuốc vào đấy, cây sẽ chết", lãnh đạo Phòng Quản lý, bảo vệ rừng Công ty Sông Kôn cho hay.
Mất một số cây, nghĩ không đáng kể?
Nêu nguyên nhân chủ quan để xảy ra tình trạng phá, lấn chiếm gần 15 héc ta đất rừng với Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Ngọc Đạo – Chủ tịch Công ty Sông Kôn cho rằng, lực lượng quản lý mỏng, sợ mâu thuẫn với người dân nên ngay từ đầu đã không giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm, trồng xen.
"Khi kiểm tra, mất một số cây nghĩ không đáng kể nên không lập biên bản, thời gian kéo dài, không báo cáo hoặc báo cáo miệng cho phòng, không báo cáo bằng văn bản. Năm 2019, khi bão đổ cây không lập biên bản báo cáo với công ty để lập thủ tục báo cáo cơ quan chức năng về tình hình thiệt hại.
Lãnh đạo công ty, các phòng nghiệp vụ khi phát hiện vụ việc, tập trung xử lý mà chậm báo cáo cơ quan chức năng, sở ban ngành để xin ý kiến chỉ đạo, sớm xử lý dứt điểm", ông Ngọc Đạo cho hay.
Cũng theo ông Ngọc Đạo, Công ty này đã kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể quản lý, phòng quản lý bảo vệ rừng giai đoạn từ năm 2014-2019.
Vụ việc để người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng trồng do Công ty Sông Kôn quản lý đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Thanh tra tỉnh phối hợp, làm rõ đối tượng vi phạm, vị trí, diện tích để có cơ sở thu hồi theo quy định pháp luật.