Dân Việt

5 lý do Ukraine không thể gia nhập Liên minh châu Âu

Phương Đăng (theo Sputnik) 13/06/2022 14:20 GMT+7
Truyền thông Na Uy mới đây liệt kê 5 lý do Ukraine không thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU), theo Sputnik.
5 lý do Ukraine không thể gia nhập Liên minh châu Âu - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) chụp ảnh bên cạnh Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels tháng 10/2020. Ảnh Ukrinform

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 28/2/2022 vừa qua. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần thúc giục các quan chức ở châu Âu cho phép Ukraine gia nhập EU nhanh chóng thông qua một "lối tắt" mà ông mô tả là "thủ tục đặc biệt mới" nhưng bị khước từ.

Đài Phát thanh truyền hình Quốc gia Na Uy NRK mới đây trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, nhà phân tích cho biết, nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine sẽ liên tục bị kìm hãm bởi 5 vấn đề, khiến các quan chức EU không mặn mà với ý tưởng cấp cho nước này một “lối tắt” để trở thành thành viên.

Vấn đề lớn nhất, theo nhà nghiên cứu Đại học Oslo Metropolitan kiêm chuyên gia về Ukraine Jorn Holm-Hansen, là nạn tham nhũng lan rộng hoành hành ở đất nước này trong suốt một thời gian dài. Theo dữ liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tình hình tham nhũng ở Ukraine tồi tệ hơn bất kỳ nước nào trong khối EU.

Thứ hai, Ukraine cũng có những vấn đề lớn về pháp quyền, quản trị và dân chủ, nhà nghiên cứu cho biết. Ukraine bị xếp hạng kém trong chỉ số dân chủ của tổ chức The Economist Intelligence Unit (một tổ chức cung cấp các dịch vụ dự báo và tư vấn để hỗ trợ các doanh nhân, nhà tài chính và quan chức chính phủ). Nước này cũng xếp thứ hạng thấp về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới.

Thứ ba, Ukraine có vấn đề liên quan đến ảnh hưởng quá lớn của giới siêu giàu trong nền kinh tế và chính trị. “Các nhà tài phiệt, những người nắm giữ vốn lớn, có quyền kiểm soát kinh tế và chính trị”, ông Holm-Hansen giải thích.

Vị chuyên gia về Ukraine cho biết, nghèo đói lan rộng, chủ nghĩa dân tộc và cuộc xung đột hiện tại là lý do thứ 4 khiến nước này không thể sớm được chấp nhận vào EU. Theo ông Holm-Hansen, mức lương trung bình của người Ukraine chưa bằng một nửa so với người Bulgaria - nước vốn có mức lương trung bình khiêm tốn nhất EU.

Jarle Trondal, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Oslo chuyên về EU cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập EU hoàn toàn có thể là "điều bất khả thi", do cuộc khủng hoảng kéo dài với Nga, vốn đã bùng phát từ năm 2014 và Brussels "không muốn liên quan đến sự bất ổn như vậy dọc theo sườn bên ngoài của khối".

“Đất nước này (Ukraine) cần ổn định và đảm bảo an ninh. Nếu không, các vấn đề của Ukraine sẽ chuyển sang toàn bộ khối”, ông Trondal nói.

Học giả này cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu Ukraine có đáp ứng được các giá trị của EU như sự đa dạng, lòng khoan dung và cuộc sống hài hòa trong một cộng đồng gồm nhiều dân tộc khác nhau hay không.

Cuối cùng, NRK cho rằng, rào cản thứ 5 khiến Ukraine không thể được "đặc cách" gia nhập EU nhanh chóng là sự không công bằng. Theo NRK, Ukraine không được phép vượt qua các quốc gia khác vẫn đang chờ đợi được gia nhập EU và thực hiện các chỉ thị ứng cử của Brussels.

“Ukraine có thể trở thành một ứng cử viên, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đáp ứng tất cả các yêu cầu ở mọi giai đoạn”, ông Trondal cho biết.