Chiều ngày 13/6, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã khẳng định: "Với đề xuất quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời gian 50 - 70 năm là vấn đề lớn liên quan đến vấn đề sở hữu của người dân.
"Quy định này mới chỉ dừng ở khâu đề xuất và chưa được áp dụng. Khi nào Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi Luật thì mới nghiên cứu các quy định cụ thể...", Thứ trưởng Hùng cho hay.
Cũng tại buổi họp báo khi được chỉ định giải thích rõ về đề xuất quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời gian 50 - 70 năm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng) cho biết: "Vấn đề này đã được Bộ Xây dựng giải thích nhiều lần rồi. Vào năm 2014, khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ Xây dựng cũng đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài".
"Tại thời điểm đó, Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu vì việc này tác động rất lớn tới người dân và xã hội", ông Khởi cho hay.
Theo ông Khởi, vừa qua Bộ Xây dựng có đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình.
Theo đó, thời hạn sở hữu nhà ở chung cư có thể là 50 năm hoặc lâu hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt.
Bộ Xây dựng chưa bao giờ nói nhà ở chung cư quy định sở hữu 50 hay 70 năm mà tùy thuộc vào cấp độ nhà chung cư. Bộ Xây dựng nghiên cứu thống nhất với luật dân sự, thậm chí cả về mặt hiến pháp.
Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội 2 phương án này.
Giải thích rõ hơn về đề xuất này, ông Khởi nhấn mạnh: "Đây mới chỉ là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, sau khi được Quốc hội đồng ý đưa vào Luật Nhà ở 2023, khi đó, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân".
Đối với lo ngại của người dân về việc giấy quyền sử dụng đất của toà nhà chung cư không có thời hạn, nhưng nhà chung cư lại có thời hạn sở hữu 50 - 70 năm thì gây chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở, ông Khởi cho rằng, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp của 2 phương án. Nếu trong trường hợp quyền sử dụng đất vẫn có hiệu lực, người dân sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất và góp tiền xây dựng mới.
"Điều đó có nghĩa, người dân sẽ được tái định cư tại chỗ. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh xáo trộn tối đa cho người dân", ông Khởi nói.
Được biết, theo quy định pháp luật hiện hành, khi mua căn hộ chung cư người mua có quyền sở hữu đối với căn hộ chung cư và quyền sử dụng đất chung đối với phần đất dùng để xây dựng tòa nhà chung cư đó cùng với những chủ sở hữu căn hộ chung cư khác.
Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư (theo khoản 1 Điều 99 Luật Nhà ở 2014).
Thời hạn sử dụng căn hộ chung cư thường ghi là 50 năm, sau đó căn cứ vào kết luận kiểm định để tiếp tục ở hoặc phá dỡ để xây dựng nhà chung cư mới hoặc công trình khác nếu không còn phù hợp với quy hoạch để xây chung cư.
Đối với thời hạn sử dụng đất xây dựng chung cư, người mua căn hộ chung cư được sử dụng đất ổn định lâu dài đối với phần đất xây dựng nhà chung cư. Nội dung này được quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Nhà ở 2014.
Nhiều chuyên gia cho rằng đối với đề xuất hiện tại quy định riêng về sổ hồng chung cư theo hướng có thời hạn 50-70 năm rõ ràng sẽ vướng mắc về quyền sử dụng đất của dự án xây dựng nhà chung cư đó. Bởi vì, phần lớn các tòa nhà chung cư được xây dựng trên đất ở lâu dài, vĩnh viễn, trong khi công trình nhà ở chung cư không thể tồn tại vĩnh viễn.