Dân Việt

Chuyên gia Mỹ phân tích 'hiện thực cay đắng', Ukraine không thể đánh bại Nga trên chiến trường

Phương Đăng (theo 19 Forty Five) 14/06/2022 09:15 GMT+7
Khi đoàn xe quân sự khổng lồ của Nga bị chặn đứng bên ngoài Kiev, sau đó, Moscow phải rút lui , từ bỏ kế hoạch chiếm thủ đô Ukraine, rất nhiều người đã tin rằng, Ukraine cuối cùng sẽ giành chiến thắng trước Nga. Tuy nhiên, niềm tin đó giờ đây đang lung lay khi Nga đang giành ưu thế áp đảo trên chiến trường Donbass.

Trong bài bình luận đăng trang phân tích chiến sự 19 Forty Five, ông Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ cho biết, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang kéo dài đến mốc 4 tháng, tỷ lệ cược rõ ràng đang có lợi cho Nga.

Chuyên gia Mỹ phân tích 'hiện thực cay đắng', Ukraine không thể đánh bại Nga trên chiến trường - Ảnh 1.

Pháo binh Nga khai hỏa. Ảnh Creative Commons.

Về mặt quân sự, theo vị chuyên gia Mỹ, hiện không có con đường hợp lý nào có thể giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga. Nếu không có sự điều chỉnh hướng đi - sẽ sớm thôi - chính thủ đô Kiev cuối cùng có thể cũng không được an toàn.

Sau khi đoàn xe thiết giáp khổng lồ của Nga phải chịu một "thất bại đáng kinh ngạc" ở phía bắc Kiev và Kharkiv trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, nhiều chuyên gia ở phương Tây đã cho rằng, quân đội Nga chỉ là "hổ giấy" và vì thế, họ sẽ không có khả năng đánh bại Các lực lượng vũ trang Ukraine (UAF ), vốn đã được phương Tây huấn luyện trong nhiều năm. Thậm chí, truyền thông phương Tây thời điểm đó hết lời ca ngợi "bản lĩnh, tinh thần kháng cự mạnh mẽ và các kỹ năng tuyệt vời" của UAF.

Vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Kiev và nói với Tổng thống Zelensky rằng, phương Tây có thể cung cấp cho quân đội Ukraine các “thiết bị phù hợp” và “sự hỗ trợ thích hợp” để giúp Ukraine giành chiến thắng và để thấy “Nga suy yếu”.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, ngoài viện trợ trực tiếp trên chiến trường, phương Tây cũng đồng thời sử dụng các công cụ kinh tế với mục đích tước bỏ khả năng tiếp tục tiến hành chiến tranh của Nga. Vào ngày 3/6 mới đây, Liên minh châu Âu đã ban hành đợt trừng phạt thứ 6, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu một phần hầu hết dầu và khí đốt của Nga. Mục đích đằng sau các lệnh trừng phạt và các biện pháp kinh tế này là nhằm làm suy yếu hoặc ngăn cản khả năng tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine của Điện Kremlin trong khi trang bị vũ khí cho Kiev để họ giành chiến thắng trên chiến trường. Nhưng rõ ràng chiến lược này đang thất bại trên cả hai phương diện.

Trong suốt ba tháng đầu của cuộc chiến, hầu như các nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố tích cực, cho thấy quân đội của Kiev sẽ “đánh bật" Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine và Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận thương lượng nào mà trong đó Ukraine phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình.

Tuy nhiên, vào đầu tuần này, tờ The Independent của London đã tiết lộ một phần của một báo cáo tình báo tuyệt mật bị rò rỉ từ Kiev, phơi bày một thực tế chiến trường khắc nghiệt hơn nhiều so với những gì đã được thừa nhận công khai.

Theo báo cáo tình báo đó, các cuộc bắn phá không ngừng của Nga vào quân đội Ukraine trong hơn 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến đã phá hủy phần lớn trang thiết bị từ thời Liên Xô của họ và làm cạn kiệt kho đạn pháo của họ.

Kết quả là các đơn vị tiền tuyến của Ukraine hiện bị bắn phá dữ dội. Theo ước tính, quân đội Nga tiến hành 20 cuộc pháo kích thì Ukraine chỉ tiến hành được 1 cuộc, và đặc biệt đáng lưu ý là, quân đội Nga bắn 40 quả đạn pháo, thì Ukraine chỉ bắn 1 quả.

Kết hợp với việc Nga tiếp tục có lợi thế đáng kể về sức mạnh không quân (với 300 lần xuất kích mỗi ngày so với 3 đến 5 lần của Ukraine) và nhân lực, thì không có gì ngạc nhiên khi Ukraine đang mất dần vị thế ở chiến trường Donbass, theo ông Daniel L. Davis.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov xác nhận rằng, có tới 100 lính UAF tử trận mỗi ngày (một số ước tính khác cho biết số lính Ukraine tử trận lên tới 200 người mỗi ngày) và 500 binh sĩ khác bị thương. Tổn thống Zelensky thừa nhận rằng Nga kiểm soát được hơn 20% lãnh thổ Ukraine - và tỷ lệ đó đang tăng lên từng ngày.

Mặc dù hoàn toàn có thể hiểu được rằng, không một nhà lãnh đạo Ukraine nào muốn nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, nhưng có những thực tế khác, khắc nghiệt hơn cần phải được tính đến, ông Daniel L. Davis bình luận.

Nói cách khác, sự lựa chọn của Ukraine có thể không phải là việc họ có nên nhượng bộ lãnh thổ hay không, mà là liệu Ukraine có nên nhượng bộ lãnh thổ ngay bây giờ để hạn chế thiệt hại hay không?

Hay họ sẽ liều mạng chiến đấu đến cùng với hy vọng một ngày nào đó sẽ giành lại được tất cả?

Theo ông Daniel L. Davis, không có gì đảm bảo rằng, Ukraine sẽ không mất nhiều lãnh thổ hơn nữa vào tay Nga. Ví dụ, hiện Ukraine vẫn nắm giữ một số thành phố quan trọng của Donbass (nổi bật là Slavyansk/Kramatorsk ở phía bắc, khu vực Avdiivka ở trung tâm và nhiều vùng lãnh thổ ở phía nam tỉnh Donetsk. Kharkiv và Odessa vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Nhưng thời gian trôi qua, danh sách các thành phố do Ukraine kiểm soát đang tiếp tục bị thu hẹp.

Sẽ là một kỳ tích nhưng gần như là không thể nếu phương Tây cung cấp đủ vũ khí hạng nặng cho Ukraine - và khối lượng lớn đạn pháo cỡ lớn mà lực lượng pháo binh của nước này cần để cân bằng lại bất lợi lớn mà Ukraine có về hỏa lực so với Nga.

Ngay cả những bệ phóng tên lửa hiện đại mà Mỹ và Anh đã cam kết gần đây sẽ cung cấp cho Ukraine cũng sẽ không làm thay đổi cán cân âm của Kiev trên chiến trường.

Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine sẽ sớm phải đối mặt với viễn cảnh đáng buồn rằng, tiếp tục chiến đấu sẽ chỉ mang lại nhiều chết chóc và tàn phá hơn cho người dân Ukraine, các thành phố và lực lượng vũ trang của họ. Nhưng thậm chí, tiếp tục chiến đấu cũng không đủ để họ ngăn chặn thất bại. Sự thật là, năng lực và các nguyên tắc cơ bản về quân sự đang có lợi lớn cho Moscow. Những yếu tố đó khó có thể thay đổi kịp thời để tránh thất bại cho Kiev. Đó là hiện thực cay đắng của chiến tranh, theo ông Daniel L. Davis.