Clip: Cơ giới hóa là yếu tố then chốt nâng cao năng suất vườn cao su. Thực hiện: Nguyên Vỹ
Lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) là hoạt động then chốt, có vị trí quan trọng trong định hướng, dẫn dắt ngành cao su phát triển.
Trong tương lai gần, diện tích cao su của Tập đoàn sẽ bị thu hẹp lại. Đất đai sẽ dịch chuyển để phục vụ các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Hiện Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã xây dựng kế hoạch nông nghiệp từ năm 2022 đến năm 2030, theo hướng giảm diện tích vườn cây nhưng tăng dần năng suất và sản lượng.
Ban Quản lý kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã xây dựng kế hoạch năng suất bình quân toàn VRG sẽ đạt mức 1,8 tấn/ha trong năm 2030. Đặc biệt, kế hoạch có sự chênh lệch năng suất giữa các vùng miền.
Theo đó, năng suất của khu vực Đông Nam bộ sẽ giảm. Nguyên nhân do diện tích vườn cây năng suất cao có thể bị quy hoạch, chuyển sang xây dựng khu công nghiệp hoặc thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương.
Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết: "Các đơn vị phải sẵn sàng chủ động ứng phó với những thách thức về giá cả, về xu hướng dịch chuyển đất đai sang những ngành công nghiệp, dịch vụ.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đến năm 2030, các đơn vị thành viên của của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần cụ thể hóa từng giải pháp vào thực tế vườn cây.
"Trong đó cơ giới hóa vườn cao su là một trong những yếu tố then chốt cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa", ông Dương nhấn mạnh
Tổng Công ty Cao su Đồng Nai là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa vườn cao su từ việc tái canh, chăm sóc vườn cây cao su đến kiến thiết cơ bản.
Trong 3 năm qua, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã nhanh chóng đầu tư, phát triển ngành cơ giới và công nghệ.
Tổng Công ty đã xây dựng công xưởng chế tạo, sửa chữa, nâng cấp và bảo dưỡng cơ khí; tuyển dụng, thu hút nguồn nhân sự có năng lực về cơ giới công nghệ. Tất cả nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu hiện hữu tại Tổng Công ty.
Tại hội nghị nông nghiệp khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2022 của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam mới đây, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã trình diễn những thiết bị cơ giới hóa vườn cao su hiện đại và mới nhất của mình đến các đơn vị thành viên.
Ông Phạm Ánh Dương - Tổ trưởng Tổ cơ giới giới thiệu thiết bị cơ giới hóa vườn cây cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ & Minh Nhiên
Ông Phạm Ánh Dương - Tổ trưởng Tổ cơ giới, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, Tổng công ty hiện có hơn 400 phương tiện thiết bị, với 17 chủng loại khác nhau.
Tất cả các phương tiện này đáp ứng gần như toàn bộ các hoạt động nông nghiệp, từ khâu làm đất đến trồng cây cao su tới thời gian khai thác.
Hiện Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được xem là đơn vị mạnh nhất về cơ giới hóa vườn cao su trong 67 đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hưng – Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam yêu cầu các đơn vị thành viên, tùy vào tình hình thực tế của mình để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và khai thác cao su.
"Trong đó, cơ giới hóa vườn cao su là một yếu tố quan trọng giúp các đơn vị nhanh chóng đạt được những mục tiêu đề ra trong việc tăng giá trị sử dụng đất, nâng cao năng suất lao động, năng suất vườn cây", ông Hưng chia sẻ.