Nhiều gia đình dân tộc Mông ở Hà Giang vào Đồng Nai làm công nhân cao su, mua được đất, cất được nhà

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 29/05/2022 07:00 AM (GMT+7)
Rời Hà Giang vào Đồng Nai làm công nhân cao su, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông đã có thu nhập ổn định. Không ít hộ làm công nhân cao su còn tích lũy, mua sắm được xe cộ, có người mua được cả đất để cất nhà.
Bình luận 0

Người Mông Hà Giang vào Đồng Nai làm công nhân cao su

Clip: Nhiều gia đình dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang đã vào Đồng Nai làm công nhân cao su, không ít hộ đã mua được xe cộ, mua đất, cất nhà.

Thiếu hụt lao động là thực trạng thường xuyên diễn ra ở các nông trường cao su ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Tổng Công ty cao su Đồng Nai đang quản lý 34.000ha vườn cây cao du, là doanh nghiệp lớn nhất Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Hựu – Chủ tịch Công đoàn, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (trái) kiểm tra việc chuẩn bị nội thất tại khu nhà lưu trú cho công nhân cao su. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Thế Hựu – Chủ tịch Công đoàn, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (trái) kiểm tra việc chuẩn bị nội thất tại khu nhà lưu trú cho công nhân cao su. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Thế Hựu – Chủ tịch Công đoàn, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, lao động địa phương thường chọn làm việc tại các khu công nghiệp.

Trong bối cảnh khan hiếm nhân công, lao động, Tổng Công ty cao su Đồng Nai cũng phải căng mình tìm kiếm nguồn lao động làm công nhân cao su.

Nhiều năm trước, Cao su Đồng Nai đã tìm kiếm nguồn lao động từ các tỉnh ĐBSCL nhưng không thành.

Từ năm 2019, Tổng Công ty tìm kiếm nguồn lao động ở các tỉnh miền Bắc, nhất là tại tỉnh Hà Giang. Đến nay chương trình đã có những thành công nhất định.  

Ông Hựu cho biết, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông đến từ Hà Giang vào rất chịu khó, đáp ứng nhanh yêu cầu công việc.

Sau thời gian tập huấn từ 1-2 tháng thì mọi người quen với việc cạo mủ, có nguồn thu nhập ổn định.

Công đoàn của Tổng Công ty tổ chức nhiều hoạt động giúp bà con ổn định cuộc sống như cung cấp nhu yếu phẩm, xây cất khu nhà lưu trú cho công nhân cao su ở miễn phí.

Khu nhà lưu trú cho công nhân cao su thuộc nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khu nhà lưu trú cho công nhân cao su thuộc nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mỗi năm, Tổng công ty tổ chức đoàn xe, đưa bà con về quê Hà Giang ăn tết. Sau 1 tháng, công ty đưa bà con trở vào lại Đồng Nai.

Lúc mới vào đây, nhiều người chỉ có hai bàn tay trắng. Khi kinh tế dần ổn định, nhiều người mua sắm được xe cộ để đi làm.

Nhiều công nhân mua được xe gắn máy Exciter. Công ty bố trí thêm 2 xe tải để chở tổng cộng 80 xe Exciter về Hà Giang cho bà con đi chơi tết.

"Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang khi vào Đồng Nai vẫn giữ nếp sống tằn tiện, tiết kiệm, gửi tiền cho người thân ở quê hương. Có người còn gửi tiền về quê mua đất để cất nhà", ông Hựu nói.

Thu nhập khá nhờ làm công nhân cao su

Tại khu nhà lưu trú thuộc nông trường cao su Cẩm Đường, anh Sùng Seo Phán, dân tộc Mông, quê ở huyện miền núi Xín Mần (Hà Giang) kể, nhà có ruộng đất nhưng là ruộng bậc thang. Quanh năm anh trồng cấy chỉ đủ ăn.

Vào Đồng Nai làm công nhân cao su, thu nhập bình quân của vợ chồng anh từ 8-12 triệu đồng/tháng/người.

"Nếu chịu khó làm thì có nguồn thu ổn định. Vợ chồng tôi dùng 1 đầu lương để chi dùng, đầu lương còn lại thì để gửi về quê", anh Phán nói.

Vợ chồng anh Lý Seo Xẻng cùng làm công nhân cao su tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vợ chồng anh Lý Seo Xẻng cùng làm công nhân cao su tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Lý Seo Xẻng, cùng sống tại khu lưu trú dành cho công nhân cao su kể, vợ chồng anh từ Hà Giang vào Đồng Nai đã 2 năm.

"Được Tổng Công ty hỗ trợ nhiều thứ, mình yên tâm làm việc. Năm ngoái, 2 vợ chồng tiết kiệm 160 triệu đồng", anh Xẻng kể.

Ông Hựu cho biết, trong tổng số 10 nông trường của Tổng Công ty cao su Đồng Nai thì có 9 nông trường có người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Mông của tỉnh Hà Giang.

Công nhân cao su chăm sóc vườn cây giống tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công nhân cao su chăm sóc vườn cây cao su giống tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Riêng nông trường Cẩm Đường là nơi có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang nhất, với 307 người trên tổng số 406 công nhân.

Hiện tổng công ty cao su Đồng Nai có gần 1.000 công nhân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông từ tỉnh Hà Giang vào làm việc.

"Hiện nay, vẫn còn rất nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang muốn đăng ký vào Đồng Nai làm công nhân cao su. Cách làm của Tổng công ty không chỉ tự giải quyết nhu cầu lao động của mình mà còn hỗ trợ các công ty khác trong ngành cao su", ông Hựu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem