Dân Việt

Xăng dầu tăng sốc, Chính phủ được khuyên trợ giá cho lái xe

An Linh 14/06/2022 09:02 GMT+7
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến cáo Chính phủ có động thái trợ giá tạm thời trước cú sốc giá xăng.

Giá xăng dầu tăng phi mã gây lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế

Cụ thể, theo WB, do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Xăng dầu tăng sốc, Chính phủ được khuyên trợ giá cho lái xe - Ảnh 1.

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo Chính phủ trợ giá lái xe tải (Ảnh CTV).

Bên cạnh đó, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư để giúp tăng tổng cung. Đầu tư sản xuất năng lượng thay thế có thể sẽ là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.

Khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn. 

Như Dân Việt đưa tin, tính đến ngày 13/6, giá xăng dầu trong nước đã có lần thứ 6 điều chỉnh tăng liên tiếp, chuỗi tăng giá hơn 50 ngày ghi nhận mức tăng từ 4.600 đến 5.100 đồng/ lít xăng E5 và Ron 95. Đây là mức tăng giá xăng dầu mạnh và chuỗi tăng giá liên tục dài nhất trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Đây là mức tăng cao, gây lo ngại cho các hãng vận tải hành khách, hàng hoá khi giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.

Điều này gây lo ngại đến tăng trưởng, lạm phát và đời sống của người dân. 

Xăng dầu tăng giá, gây khó khăn lớn làm đội chi phí cho các hãng vận tải, tăng chi phí logistics và tăng giá hàng hoá, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vận tải, logistics của Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), chi phí xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế. Xăng dầu cứ tăng 10%, thì làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm % và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm %.

Thực tế, hiện nay giá xăng E5 Ron 92 và Ron 95 lần kỳ điều mới nhất (ngày 13/6) so với ngày điều chỉnh đầu tiên (21/4) đã tăng từ 17% đến 18%, chỉ số này tác động rõ rệt lên đời sống xã hội, giá cả và chi phí sản xuất.