Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải có thể phá sản?

Thế Anh Thứ hai, ngày 13/06/2022 20:13 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao kỷ lục đã đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rơi vào tình hình "khó khăn chồng chất khó khăn". Thậm chí, doanh nghiệp vận tải đang hoạt động có thể không trụ được dẫn tới phá sản.
Bình luận 0

Duy trì hoạt động có thể dẫn tới phá sản

Chiều ngày 13/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ với xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít.

Đối với giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải có thể phá sản? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Thế Anh

Việc giá xăng dầu tiếp tục tăng cao kỷ lục đã đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rơi vào tình hình "khó khăn chồng chất khó khăn". Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải loay hoay giữa "bão giá" xăng dầu, nhưng vẫn bế tắc, khủng hoảng tài chính để duy trì hoạt động và trả lương nhân viên.

Trao đổi với PV Dân Việt về tình hình giá xăng dầu tăng cao kỷ lục vào chiều ngày 13/6, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) than phiền: "Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao kỷ lục thế này, đặc biệt là dầu Diesel tăng 2.630 đồng/lít (tăng 10%) lên 29.020 đồng chẳng khác nào "đánh một đòn mạnh" xuống doanh nghiệp vận tải".

"Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang xác định tình hình giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa, thậm chí cao tới 35.000 đồng/lít. Doanh nghiệp chúng tôi chưa biết tính toán phương án nào để duy trì được hoạt động", ông Bằng cho biết.

Chia sẻ về tình hoạt động kinh doanh vận tải, ông Bằng cho rằng: "Nếu doanh nghiệp vẫn cứ hoạt động như thời điểm này thì sẽ không thể trụ được, có thể phá sản. Trước mắt, khi giá xăng dầu tăng cao như thế này, doanh nghiệp vận tải không thể có lãi mà phải cố gắng cắt giảm tối đa chi phí vận hành và dựa vào lượng khách để cân đối số chuyến lượt sao cho phù hợp".

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải có thể phá sản? - Ảnh 2.

Nhà xe Sao Việt đang cắt giảm các chi phí để hoạt động duy trì trước "bão giá" xăng dầu. Ảnh: Đ.B

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, trong bối cảnh "bão giá" xăng dầu như hiện nay, ngành vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn".

Ông Quyền cho hay, giá xăng, dầu lại tăng cao nên các doanh nghiệp bắt buộc phải "thắt lưng buộc bụng" cân đối thu chi cho hợp lý và sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Tuy nhiên, giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành.

Giá xăng dầu khiến giá hàng tiêu dùng tăng theo

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo an toàn giao thông và tạo môi trường vận tải công bằng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành vận tải duy trì hoạt động ổn định.

Trên thực tế, giá xăng, dầu tăng cao sẽ làm kéo theo chi phí vận tải, logistics tăng... làm giảm lợi nhuận, thậm chí gây lỗ cho doanh nghiệp vận tải hoặc các ngành nghề sử dụng nhiều xăng, dầu, từ đó làm giảm sút giao dịch kinh tế. Khi diễn biến tăng giá lan sang các lĩnh vực khác, giá hàng tiêu dùng sẽ tăng. Và việc tăng giá này sẽ làm giảm thu nhập thực tế người lao động, gây khó khăn trong lực lượng lao động.

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải có thể phá sản? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp vận tải có thể phá sản vì giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Phạm Hưng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật. Về việc bình ổn giá, Bộ này cho rằng cần được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.

Bộ Tài chính đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật; tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có điều chỉnh theo nội dung chính sách bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá. Theo đó, biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.

Hoặc có thể điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.

Cuối tùng là cụ thể hóa biện pháp "áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế".


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem