Dân Việt

Khai quật "Kho báu ngàn năm" bí ẩn hé lộ nền văn minh Thục Cổ

Bảo Tâm 15/06/2022 11:26 GMT+7
Một chiếc hộp bí ẩn hình dạng con rùa và bàn thờ để cúng tế là những thứ được tìm thấy trong kho báu ngàn năm gồm 13.000 di vật có niên đại hơn 3000 năm được các nhà khảo cổ học ở Tây Nam Trung Quốc phát hiện.

Những phát hiện mới mẻ về "kho báu ngàn năm"

Các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc vừa đưa tin, cho rằng có một bộ sưu tập đồ sộ những di vật bằng vàng, đồng và ngọc bích đã được khai quật trong sáu cái hố tại các địa điểm khảo cổ Sanxingdui, gần Thành Đô.

Khai quật "Kho báu ngàn năm" bí ẩn hé lộ nền văn minh Thục Cổ - Ảnh 1.

Chiếc hộp bằng đồng chứa đựng nhiều bí ẩn khó giải đáp (Ảnh: CNN)

Một nhóm các nhà khảo cổ học từ Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tứ Xuyên và các cơ quan nghiên cứu khác đã tiến hành khai quật sáu hố tại địa điểm này kể từ năm 2020.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin rằng trong cuộc khai quật gần đây nhất, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3.155 di vật tương đối nguyên vẹn, trong đó có hơn 2.000 đồ sứ và tượng đồng.

Chiếc hộp mai rùa là phát hiện tâm đắc của các nhà nghiên cứu, bởi đây là lần đầu tiên họ khai quật được món đồ thú vị như vậy.

Li Haichao, một giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói với Tân Hoa xã: "Sẽ không quá lời khi nói, đây là một cổ vật độc nhất vô nhị, với hình dáng có một không hai thể hiện bàn tay thủ công tinh luyện cùng thiết kế khéo léo. Mặc dù chúng ta không biết thứ này được sử dụng để làm gì, nhưng chúng ta có thể cho rằng người cổ đại rất nâng niu nó."

Một bàn thờ bằng đồng cao gần 3 feet (0,9 mét) cũng được tìm thấy ở một trong những cái hố, nơi những người thuộc nền văn minh Thục được cho là đã cúng dường trời, đất và tổ tiên của họ. Dấu vết ăn mòn của các thân tre, lau sậy, đậu nành, gia súc và lợn rừng cho thấy tất cả những thứ này đều được cúng tế.

Khai quật "Kho báu ngàn năm" bí ẩn hé lộ nền văn minh Thục Cổ - Ảnh 2.

Những phát hiện đột phá của những nhà nghiên cứu (Ảnh: CNN)

Giao lưu văn hóa cổ đại tại "kho báu ngàn năm"

Ran Honglin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ Sanxingdui, nói với Tân Hoa xã, sự đa dạng của các vật phẩm cúng tế tại khu vực này cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa các nền văn minh cổ đại ở Trung Quốc.

Một trong những tác phẩm điêu khắc có đầu người và thân rắn -  đặc trưng của nền văn minh Thục cổ. Ông Ran nói: "Nhiều di tích văn hóa được khai quật tại Sanxingdui cũng đã được nhìn thấy ở các địa phương khác ở Trung Quốc, cho thấy bằng chứng rõ ràng về sự giao lưu và hội nhập sớm của nền văn minh Trung Quốc."

Địa điểm khảo cổ rộng 4,6 dặm vuông đã thu được hàng nghìn cổ vật kể từ khi người nông dân địa phương tình cờ tìm thấy nó vào những năm 1920. Các kho báu như mặt nạ vàng nặng khoảng 100 gram (0,22 pound), các di vật bằng ngà voi và một con dao bằng ngọc bích nằm trong số các khảo vật được khám phá vào năm ngoái.

Mặc dù chưa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nhưng Sanxingdui vẫn nằm trong "danh sách dự kiến" của tổ chức để xét duyệt.

Khai quật "Kho báu ngàn năm" bí ẩn hé lộ nền văn minh Thục Cổ - Ảnh 3.

Một di vật được trưng bày tại bảo tàng Quốc gia Trung Quốc (Ảnh: CGTN)