Dân Việt

Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tôm - lúa

Thiên Ngân 17/06/2022 11:00 GMT+7
Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa mô hình nuôi tôm – lúa, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường tại vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) đã triển khai một số giải pháp cụ thể, xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân.

Xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tôm lúa

Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tiến hành chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, luân canh và xen canh tôm lúa, ứng dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường và sức khoẻ tôm trong suốt vụ nuôi tôm - lúa, tích hợp đa giá trị theo chuỗi giá trị tôm - lúa nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh... 

Xây dựng mô hình, dự án tôm-lúa, tôm-rừng có trách nhiệm gắn với các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác...), trong đó lấy hợp tác xã là nòng cốt, nông dân làm trung tâm với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân...

gop/ Xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tôm - lúa - Ảnh 1.

Anh Bùi Trí Nhân - người triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh, cá linh non trên ruộng lúa ở phường An Bình, TP.Hồng Ngự (Đồng Tháp), đang thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: V.G

Đáng chú ý, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 2 dự án xây dựng mô hình nuôi tôm sú - lúa hữu cơ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL, thực hiện tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu với diện tích hơn 300ha.

Giải pháp công nghệ của mô hình là sử dụng công nghệ sinh học, xử lý môi trường nước trước, trong và sau vụ nuôi tôm hoặc trồng lúa. 

Chế phẩm sinh học sẽ xử lý các loại mùn bã hữu cơ tạo môi trường dinh dưỡng gây nuôi thức ăn tự nhiên phát triển làm thức ăn cho tôm. Ngoài ra công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn chia thành 2-3 lần thả giống, giúp tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước.

Tiếp đó là xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm, triển khai tại các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. 

Quy mô triển khai hơn 128ha diện tích nuôi tôm càng xanh - lúa. Xây dựng mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn 2 giai đoạn, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ triển khai tại tỉnh Cà Mau, với diện tích trên 200ha.

Giải pháp công nghệ của mô hình này là nuôi tôm 2 giai đoạn, sau thời gian 25-30 ngày tiến hành đưa tôm ra nuôi giai đoạn 2 hoặc thả ra rừng ngập mặn. Trong thời gian ương giai đoạn 1 áp dụng quy trình nuôi công nghệ sinh học và giám sát dịch bệnh. 

Nhờ đó, mô hình kiểm soát tốt chất lượng con giống, nâng cao tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái rừng tự nhiên. Năng suất tôm đạt trên 400kg/ha.