Trong kiến nghị mới nhất gửi Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị về việc sắp xếp lại 7 vùng kinh tế như hiện nay.
Theo HoREA, hiện nay, cả nước chia thành 7 vùng kinh tế như sau: Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng Bắc Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ và Vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuy nhiên, việc phân chia 7 vùng kinh tế như hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, nhất là trong điều kiện kết nối giao thông ngày càng thuận tiện và thời đại số hoá, ứng dụng công nghệ mới.
Bởi lẽ, việc phân vùng kinh tế phải đảm bảo sự gắn kết hữu cơ về kinh tế, xã hội, văn hoá, kết cấu dân tộc của các tỉnh trong vùng với quy mô dân số và không gian địa lý phù hợp, nhất là trong điều kiện kết nối giao thông ngày càng thuận tiện và thời đại số hóa, ứng dụng công nghệ mới.
"Việc phân vùng kinh tế khoa học, hợp lý, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của người dân để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa là căn cứ để quy hoạch mạng lưới đô thị của quốc gia, vùng, tỉnh là rất cần thiết và cấp bách", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay.
Vì vậy, HoREA gửi kiến nghị đến Ban Kinh tế Trung ương, đề xuất về phân vùng kinh tế. Theo đó, HoREA cho hay đã nghiên cứu và đánh giá cao đề xuất các phương án phân vùng kinh tế của Bộ Kế hoạch Đầu tư và xin được góp ý kiến phân chia 7 vùng kinh tế như sau:
Vùng Miền núi phía Bắc có 10 tỉnh (gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
Vùng Hà Nội (Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ) có 15 tỉnh/thành phố (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh).
Vùng Bắc Trung Bộ có 6 tỉnh (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).
Vùng Nam Trung Bộ có 7 tỉnh/thành phố (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận).
Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (riêng tỉnh Lâm Đồng về mặt kinh tế cũng có thể xem xét quy hoạch thuộc "Vùng Thành phố Hồ Chí Minh" và hiện nay, về mặt quốc phòng thì tỉnh Lâm Đồng thuộc Quân khu 7).
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Vùng Đông Nam Bộ) có 9 tỉnh/thành phố (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (Ghi chú: Vua Minh Mạng chia Nam Bộ thành 6 tỉnh, trong đó 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, lúc đó tỉnh Bình Thuận không thuộc Nam Bộ).
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 tỉnh/thành phố (gồm Thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
"Trên cơ sở quy hoạch 7 vùng kinh tế, Hiệp hội đề nghị sớm xác định "đô thị hạt nhân" của quốc gia, vùng trong hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia theo định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị để định hướng và tập trung các nguồn lực phát triển các đô thị theo lộ trình phù hợp", ông Châu, đề xuất thêm.