Trong buổi sáng mùa Đông, tôi tìm về tổ dân phố Đồng Hội, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), tìm đường lên chùa Báng (người dân địa phương còn gọi là chùa Bảng) để tìm hiểu thực tế tình hình xây dựng nơi đây - một ngôi chùa đã có nền móng, dấu tích từ xa xưa mà cho đến nay vẫn chưa có nhiều người biết đến, mãi tới mấy năm gần đây khi có sư trụ trì chùa Tây Thiên sang tiếp quản thì ngôi chùa mới đang được cải tạo, phục dựng lại.
Thật bất ngờ, chúng tôi đã nhìn thấy những nếp nhà trình tường thấp thoáng ấn hiện giữa bạt ngàn núi rừng Tam Đảo.
Xin nói thêm, khu vực chùa Báng nằm trong khu vực thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, ở sâu và cao trong núi rừng Tam Đảo, song, khu vực này như là một thung lũng nhỏ diện tích áng chừng 50ha, địa hình thoai thoải như lòng chảo khổng lồ, mạch nước tốt, xung quanh được bao bọc là núi.
Bởi vậy, cách đây khoảng hơn 50 năm về trước, hưởng ứng phong trào khai hoang phục hóa của Trung ương thời đó, một số hộ dân thôn Đồng Hội (nay là tổ dân phố khi đó đã tìm đến nơi non cao này để khai hoang lấy đất canh tác, phát triển kinh tế.
Đến năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 41/TTg công nhận việc thành lập Khu rừng cấm Tam Đảo thuộc địa giới 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, với tổng diện tích 19.000 ha là tiền đề cho Vườn quốc gia Tam Đảo sau này, do vậy, có sự chống lấn về diện tích của các hộ dân và diện tích của Vườn quốc gia Tam Đảo. Ngay nay, một số hộ vẫn sống, mưu sinh tại đây bởi những lợi ích kinh tế và thành quả gây dựng vườn ruộng, ao chuồng hàng mấy chục năm đem lại.
Ngôi nhà trình tường của gia đình ông Bế (tổ dân phố Đồng Hội, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nhìn từ phía trước.Tìm vào ngôi nhà trình tường ngay gần cổng chùa Báng của ông Hoàng Văn Bảy, chúng tôi thật ấn tượng bởi ngôi nhà của ông, người đàn ông với 50 tuổi đời thì đã có hơn 30 năm vào rừng làm trang trại.
Ông chia sẻ “Năm tôi 19 tuổi đã theo bố vào rừng làm kinh tế, về sau do tuổi cao sức yếu nên bố tôi đã để lại mảnh đất này cho tôi”.
Ông Bảy cho biết, tại thung lũng nhỏ này có 7 hộ là người dân tộc Sán Dìu trong thôn Đồng Hội, họ cùng nhau vào khai hoang, trồng trọt, gây dựng cơ ngơi nhà cửa, riêng diện tích khu vườn rừng của ông tại đây rộng khoảng 5ha. Tại đây gia đình ông trồng nhiều loại cây cối như vải, chè, cam, bưởi, măng bát độ…
“Những năm trước, khi nhà chùa chưa mua lại đất của một số hộ dân, do mạch nước tốt nên chúng tôi còn trồng cả lúa và cũng rất được mùa, giờ đây chỉ còn 3 hộ do không thuộc phạm vi nhà chùa nên vẫn còn trang trại, 4 hộ còn lại đều trở ra khu dân cư bên ngoài rừng sinh sống, trong số 3 hộ cũng chỉ còn duy nhất 2 hộ là ở lại hẳn bên trong rừng” - ông Bảy chia sẻ.
Còn riêng hộ của ông Bảy cũng xây nhà cửa ở khu dân cư dưới núi, giờ đây, hàng ngày ông vẫn lên để chăm nom trang trại của mình. Căn nhà trình tường ông xây đắp đã có tuổi đời 10 năm nay vẫn thuộc hàng kiên cố, nhưng ông cũng chỉ dùng làm nơi nghỉ buổi trưa, đến tối ông lại trở về dưới núi.
Vừa nói chuyện ông vừa chẻ từng bó lạt để chuẩn bị lợp, gia cố lại căn nhà của mình. Ông nói: “Ngày xưa đường xá đi lại cực kỳ khó khăn, phải leo bộ bằng đường mòn nên việc giao lưu với bên ngoài cũng rất vất vả, các hộ đều sống ổn định trên núi, mãi tới năm 2017 khi con đường từ thôn Đồng Hội lên tới chùa Báng được mở rộng rãi để phục vụ việc phát triển, phục dựng, cải tạo ngôi chùa cổ nên việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, song vẫn chưa có điện nên ông và một số hộ đã đi về dưới xuôi hàng ngày.
Ông chia sẻ về ý định sẽ giữ nguyên, bảo tồn căn nhà trình tường của gia đình mình vì đây vừa là kỷ niệm, là nét đẹp truyền thống và cũng mong chờ vào tương lai khi chùa Báng trở thành điểm đến tâm linh được nhiều người biết đến thì căn nhà của ông sẽ là một điểm ghé thăm của du khách.
Chia tay ông Bảy, chúng tôi đi bộ theo con đường mòn cách cổng chùa khoảng chừng 100m đi tiếp sâu vào núi. Còn đường hẹp và dốc đứng tới ngực, khoảng chừng 500m là đến hộ ông Bế.
Hộ ông Bế cũng có nhà dưới núi nhưng khác với hộ ông Bảy, hộ ông Bế ngoài làm trang trại trồng cây còn chăn nuôi dê, nuôi chó lấy thịt và đào ao thả cá…do vậy gia đình ông vẫn cắt cử người luôn phiên ở trong núi để chăm nom trang trại của gia đình mình, đã có 3 thế hệ nối tiếp nhau sinh sống trên mảnh đất này là bố của ông rồi đến ông Bế và giờ đây là cậu con trai út.
Vợ chồng ông Bế cũng có 4 người con, họ đều dựng vợ gả chồng ở trung tâm thị trấn, chỉ còn duy nhất cậu con trai chưa xây dựng gia đình vẫn đang phụ giúp ông bà chăm nom trang trại trên núi này.
Căn nhà trình tường cũng đã được đắp cách đây mấy chục năm nên cũng đã nhuốm màu thời gian, có phần xuống cấp. Căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn dưới tán cây thông già và cây mít trồng trước nhà, nền nhà được kê đá cẩn thận và khá cao ráo.
Vì là nhà ở tạm trong rừng nên trong nhà cũng không có gì đáng giá và theo quy định thì các hộ dân ở đây cũng không được xây nhà kiên cố, vậy nên những căn nhà trình tường như thế này đã may mắn có cơ hội tồn tại cho đến tận ngày nay trước cơn vũ bão của quá trình phát triển.
Ông Bế cũng không hề có ý định phá căn nhà này để xây hoặc dựng một căn nhà mới tại đây, vì điều kiện đi lại vận chuyển khó khăn và quan trọng nhất đây là ngôi nhà truyền thống của dân tộc Sán Dìu nên ông không muốn phá bỏ.
Cuộc sống của các hộ dân nơi đây khá bất tiện do không có điện, sử dụng nước suối, sóng di động và mạng Internet thì khá chập chờn. Song, vì họ đã mất rất nhiều năm gây dựng cơ ngơi, hoa lợi phẩm và lợi ích kinh tế đem lại hằng năm không hề nhỏ nên họ vẫn bám trụ nơi đây.
Ngày nay, những gì thuộc về yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc của người Sán Dìu ngày càng bị mai một trong quá trình hội nhập sâu rộng, đó là sự vận động theo quy luật khách quan, khó cưỡng lại.
Chúng ta không thể bắt ép hoặc mong muốn họ sinh sống mãi trong những ngôi nhà trình tường nhỏ hẹp, không phù hợp với thời đại, không đủ công năng. Song cũng không khỏi tiếc nuối khi những giá trị đặc sắc của người Sán Dìu mà ở đây là những ngôi nhà trình tường đã gần như sắp bị xóa sổ.
Tại nơi non cao này, một số hộ vẫn lưu giữ được những căn nhà này là điều đáng quý. Trong tương lai không xa nếu biết cách giữ gìn và phát huy thì chắc chắn những ngôi nhà như thế này sẽ hấp dẫn du khách hoặc cũng sẽ là nơi giáo dục con cháu đồng bào Sán Dìu về ngôi nhà truyền thống, về bản sắc của dân tộc mình.