Dân Việt

Vụ cháu bé người Nhật chết đuối trong resort: Thế nào là vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp?

Quang Trung 17/06/2022 11:49 GMT+7
Liên quan vụ cháu bé người Nhật chết đuối trong resort ở Mũi Né, Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, thế nào là vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.

Khởi tố vụ cháu bé người Nhật chết đuối trong resort

Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết vừa có thông báo gửi gia đình cháu Hanawa Yukiji (11 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) về việc đã khởi tố vụ án hình sự "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", xảy ra tại khu du lịch Centara Mirage Resort Mũi Né (TP Phan Thiết).

Động thái trên được thực hiện sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết nhận tin báo giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan vụ việc trên.

Vụ cháu bé người Nhật chết đuối trong resort: Thế nào là vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp? - Ảnh 1.

Hồ bơi nơi cháu bé người Nhật bị nạn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Chị Huỳnh Thị Anh Thư, mẹ cháu bé cho biết, chiều 16/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết đã vào TP.HCM để làm việc trực tiếp với chị về vụ việc nhằm phục vụ quá trình điều tra.

Theo trình bày của chị Thư, khoảng 10h ngày 5/4, con trai chị cùng 3 trẻ em khác xuống tắm tại khu vực hồ bơi dành cho trẻ em tại resort.

Khoảng 35 phút sau, nhóm trẻ tắm cùng phát hiện cháu bé nằm dưới đáy khu vực hồ bơi nên hốt hoảng tri hô người lớn. Thời điểm được đưa lên bờ, cháu bé đã bị ngạt nước và tim ngừng đập.

Đáng chú ý, qua quan sát phần lưng và cánh tay của cháu có nhiều vết bầm tím hình vuông ô nhỏ, nghi do bị hút vào tấm lưới dưới đáy hồ bơi. Tối cùng ngày, gia đình chị Thư đã đưa thi thể cháu bé về TP.HCM lo hậu sự.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, Luật hình sự 2015 quy định thế nào về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp?

Tội danh có hai khung hình phạt

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo luật sư Hòe, vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp là hành vi của người coi thường quy tắc nghề nghiệp, không tuân thủ theo những quy tắc đó, thực hiện một cách cẩu thả hoặc tin tưởng là hậu quả không xảy ra nhưng thực tế đã dẫn đến hậu quả chết người.

Tội phạm này xâm phạm quyền sống của con người, đồng thời xâm phạm quy tắc nghề nghiệp đã ban hành.

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Theo đó, quy tắc nghề nghiệp là những vi phạm quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước, Bộ, ngành quy định.

Tuy nhiên, hành vi khách quan của tội phạm được quy định tại Điều 129 là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp chung, không được quy định ở các điều luật riêng biệt khác.

Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng người khác do vi phạm một quy định nghề nghiệp cụ thể mà điều luật quy định riêng thì cấu thành các tội phạm tương ứng khác.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm, cần xác định rõ quy tắc nghề nghiệp đã bị vi phạm. Giữa hậu quả chết người và hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, phải có mối quan hệ nhân quả. Nếu không có mối quan hệ nhân quả sẽ không phạm tội hoặc phạm tội khác.

Hậu quả của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp là gây hậu quả chết người. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm hậu quả chết người xảy ra.

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Và tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý, do cẩu thả hoặc do quá tự tin.

Tội danh này có 2 khung hình phạt. Khung 1 là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

Khung 2 là phạt tù từ 5 năm đến 12 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp làm chết từ 2 người trở lên.