Buổi Tọa đàm "Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại Việt Nam", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên tổ chức đã diễn ra vào chiều qua 16/6 tại T.P Thái Nguyên.
Tham dự có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT, đại diện Sở NNPTNT, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị của 29 tỉnh, thành; một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các chuyên gia nước ngoài.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày một số báo cáo phân tích, đánh giá vai trò của nông nghiệp đô thị. Ngoài đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm an toàn, sản xuất nông nghiệp tại khu vực đô thị còn góp phần cải thiện môi trường sống, kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị thông minh.
Những sản phẩm của nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn góp phần tạo không gian xanh, không khí trong lành, giảm tiếng ồn, giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đô thị.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình khuyến nông đô thị hiệu quả, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, từ nhiều năm nay đơn vị đã chú trọng đào tạo, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và nhiều bà con nông dân. Rất nhiều lớp tập huấn, lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi được tổ chức.
Từ đó, trên địa bàn đã hình thành một số mô hình chỉ sử dụng ít đất, nhưng tạo ra giá trị thu nhập tiền tỷ. Ví dụ như nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn, năng suất bình quân đạt 55 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 2,3 tỷ đồng/ha/năm. Hay như mô hình chuyên sản xuất hạt giống các loại của Công ty TNHH Phát triển đầu tư Nhiệt đới, doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm.
Công ty cổ phần Vườn Mơ, chuyên sản xuất các giống lan, chiếm lĩnh 70% thị phần thành phố Hồ Chí Minh, 30% thị phần các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng về nuôi cá cảnh, trong năm 2021, thành phố HCM đã xuất khẩu được 14,38 triệu con, kim ngạch xuất khẩu hơn 15 triệu USD, chủ yếu sang châu Âu (chiếm hơn 51%).
Thậm chí, trên địa bàn TP.HCM còn có hộ nông dân rất sáng tạo, nghĩ ra cách nuôi cá cảnh trên sân thượng chỉ rộng hơn 200m2, nhưng đã thu được hiệu quả kinh tế bất ngờ.
Đó là trang trại nuôi cá vàng trên sân thượng của anh Nguyễn Hữu Thắng (quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Hiện anh Thắng đang có gần 20 bể cá trên sân thượng rộng gần 200m2, nuôi hàng trăm con cá vàng quý hiếm trị giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/con.
Trong khi đó, tại Thái Nguyên, tỉnh này cũng đã xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị thông qua các đề án, chương trình. Người dân theo đó đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: Sử dụng nhà kính, nhà lưới, màng phủ ni-lon; phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy trình VietGAP; chú trọng xử lý chất thải trong chăn nuôi…
Ví dụ, trong năm 2021, Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai thử nghiệm mô hình trồng hoa Mộc hương trong chậu, mô hình trồng hoa Dạ Yến thảo F1, mô hình hoa Thảm tại xóm Làng Mon, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên với tổng diện tích 1.500m2.
Mặc dù diện tích đất sản xuất tại mô hình không lớn, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số mô hình truyền thống. Cụ thể, hoa Mộc hương bán tại thành phố Thái Nguyên có giá 350.000 đồng/cây, mô hình 500m2 thu lãi 21,8 triệu đồng. Hoa Dạ Yến thảo bán giá 65.000 đồng/chậu, mô hình thu lãi trên 11 triệu đồng; mô hình hoa Thảm, lãi khoảng 12 triệu đồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, mô hình trên áp dụng phương pháp trồng hoa trong bầu, chậu nên không cần nhiều đất đai. Các giống cây, hoa phù hợp với điều kiện trồng và chăm sóc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị nên bà con dễ dàng áp dụng.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, làm nông nghiệp tại đô thị trở ngại lớn nhất là diện tích sản xuất nhỏ, cũng như việc quản lý xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp... Để tạo ra giá trị sản xuất trong bối cảnh diện tích ngày càng thu hẹp, cần gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, tập trung phục vụ ngay cho nhu cầu tiêu dùng của khu vực đô thị như: rau, hoa, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản… Những khó khăn, hạn chế của nông nghiệp đô thị sẽ dần được khắc phục nhờ áp dụng công nghệ cao.
Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông đô thị do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập từ năm 2001, đến nay đã có 29 thành viên tham gia, là các Trung tâm khuyến nông, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các tỉnh, thanh phố trong cả nước... Sau hơn 20 năm hoạt động, CLB đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, chứng tỏ không cần nhiều đất vẫn tạo ra giá trị kinh tế lớn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.