Trao đổi với báo chí xung quanh thông tin Malaysia có kế hoạch bán cho Việt Nam 300.000 tấn xăng dầu RON 95 với mức giá ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có câu trả lời.
Theo ông Hải, Bộ Công Thương trân trọng, cảm ơn các ý kiến, nguồn thông tin để giúp Việt Nam tăng thêm nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung thế giới và nhiều nước đang bị ảnh hưởng.
"Khi trao đổi với đầu mối thì tất cả các nước đều tiếp cận mức giá như nhau. Chúng ta vẫn chọn sàn Singapore để xác định giá cả hàng ngày là bao nhiêu? làm cơ sở để chúng ta tính giá cơ sở xăng dầu trong nước.
Ông Hải nhấn mạnh, đối với xăng dầu Malaysia, Việt Nam cũng nhập mức tương đương giá của Singapore.
Theo ông Hải, mức giá giao dịch xăng dầu trên thị trường rất rõ ràng, nếu đàm phán nhập khẩu theo diện doanh nghiệp hợp tác với nhau thì đều phải theo thông lệ quốc tế, giao dịch thương mại đối xứng.
"Kể cả hai Chính phủ thống nhất với nhau về cơ chế cung cấp 300.000 tấn xăng dầu như trên thì khi doanh nghiệp làm việc với nhau vẫn có nguyên tắc của nhau", Thứ trưởng Hải thông tin.
Trước đó, trong công văn đáp từ Bộ Công Thương ngày 9/6 về việc giá xăng Malaysia 13.000 đồng/lít và việc nhập khẩu xăng dầu nước này về Việt Nam, đại sứ Việt Nam Trần Việt Thái cho biết Chính phủ Malaysia đã đề xuất Petronas cung ứng cho phía Việt Nam 300.000 tấn xăng RON 95 và Petronas đã đồng ý.
Sáng ngày 22/3/2022, trước khi ra sân bay về nước, Thủ tướng Malaysia đã tổ chức họp báo tại Hà Nội và đã cung cấp thông tin này cho báo chí. Do vậy, các báo, hãng tin lớn của Malaysia đưa tin về vấn đề này.
Về phía Việt Nam, ông Thái khẳng định: Sau khi kết thúc chuyến thăm, Bộ Ngoại giao đã có báo cáo Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao, sau đó ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1128/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai các kết quả đạt được của chuyến thăm, trong đó có liên quan đến vấn đề xăng dầu và việc nhập khẩu 300.000 tấn xăng Ron 95.
"Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng nhận được điện thông báo kết quả chuyến thăm và đã được truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai tại địa bàn", ông Thái nêu.
Liên quan đến vấn đề dự trữ xăng dầu, theo bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng từ nay tới 2025, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư về đề án này.
"Nguồn lực nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì nhà nước tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho dự trữ riêng của nhà nước", bà Hiền thông tin.
Theo quy định hiện nay về cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ 3 nguồn: Dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.
Bà Hiền thông tin thêm, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia đang được nhà nước ký hợp đồng thuê kho bảo quản tại doanh nghiệp, và họ phải cam kết đảm bảo hàng bất kể khi nào cần xuất cấp. Tuy nhiên, từ khi có quy định dự trữ quốc gia xăng dầu vẫn chưa phải dùng tới nguồn này.
"Theo quy định, nguồn đầu tiên ưu tiên sử dụng là dự trữ thương mại của doanh nghiệp, tiếp tới là nguồn dự trữ sản xuất tại các doanh nghiệp lọc dầu; và cuối cùng mới dùng tới nguồn dự trữ quốc gia. Bối cảnh căng thẳng vừa qua nhưng chúng ta vẫn chưa dùng tới nguồn dự trữ quốc gia, tuy nhiên hiện nguồn này mỏng nên cần thiết phải nâng lên", Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch giải thích.