Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu: "Nói thì đơn giản, xăng tăng sốc thì làm sao?"
Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu: "Nói thì đơn giản, xăng tăng sốc thì làm sao?"
An Linh
Thứ năm, ngày 16/06/2022 19:22 PM (GMT+7)
Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương, việc đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá trong xăng dầu nói bỏ thì đơn giản lắm… nhưng bỏ mà giá xăng tăng sốc, ví dụ như ngày 13/6, giá xăng tăng sốc 4.000 đến 5.000 đồng thì ra sao?
Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì đơn giản, nhưng phải tính...!
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 16/6, trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng và quan điểm của Bộ Công Thương xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính bỏ Quỹ bình ổn giá trong dự thảo sửa đổi Luật Giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải khẳng định: "Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét".
Thứ trưởng Hải nhấn mạnh: "Bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phải có biện pháp điều hành giá như nào cho phù hợp, hạn chế đến mức tăng giá. Nếu bỏ quỹ, giá xăng sẽ theo kiểu "cong ăn cong", "thẳng ăn thẳng", nhà quản lý cũng đỡ phải suy nghĩ trích quỹ bao nhiêu.
Tuy nhiên, ông Hải phân trần: "Vấn đề ở đây là Quỹ bình ổn giá xăng dầu ai cũng được hưởng lợi. Còn nếu bỏ đi thì phải đánh giá xem tác động như nào? Giá tăng sốc khi bỏ quỹ như ngày 13/6, giá xăng tăng sốc 4.000 đồng đến 5.000 đồng/lít thì sẽ ra sao? Phải đánh giá tác động!
"Quan trọng khi đưa ra chính sách phải có tính khả thi, tác động lan toả và thực sự đến người dân, doanh nghiệp, CPI và nền kinh tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phản biện.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, 6 tháng năm 2022 cung ứng xăng dầu trong nước gặp rất nhiều khó khăn, giá cả thế giới cao, cung xăng dầu của Nghi Sơn như vậy, các đầu mối xăng dầu gặp khó.
"Nhưng phải nói rằng nguồn cung cơ bản ổn định. Chúng ta vẫn làm được. Trong thời gian tới, để ổn định nguồn cung trước tiên ưu tiên tiêu thụ xăng dầu trong nước. Các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trong nước phải rõ ràng, minh bạch cam kết và cung ứng. Nếu không phải chủ động đẩy mạnh nhập khẩu số thiếu hụt"
Quỹ bình ổn có cái hay là nó như "hồ điều hoà". Lúc xăng giảm nhiều quá thì thêm vài trăm, vài nghìn để làm của để dành cho lúc đói, khoản này không thiu được.
"Lúc no chúng ta cất đi, lúc đói chúng ta bỏ ra ăn, rất giá trị. Đúng kiểu một miếng khi đói, bằng một gói khi no", ông Hải ví von.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu không thiu được, đúng kiểu một miếng khi đói bằng một gói khi no
Lý giải thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho cho rằng, các chính sách điều tiết vĩ mô cần có nhằm để ổn định tâm lý, bởi lạm phát tâm lý ở Việt Nam rất lớn.
"Ở Việt Nam không giống như các nước, lạm phát kỳ vọng, tâm lý rất lớn, khi giá đã tăng thì không hạ, mặt hàng xăng dầu tăng, rất nhiều mặt hàng khác tăng, người dân ảnh hưởng", ông Hải nói.
Về chủ trương rà soát bỏ các sắc thuế để giảm giá xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu đã chủ trương của Bộ với Bộ Tài chính là giảm các thuế phí để giảm giá xăng, trong đó chúng ta thực hiện được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, có hiệu lực từ 1/4 có hiệu lực hết 31/12/2022). Ông Hải cho biết: Sắp tới cũng tiếp tục họp, đề xuất, cân nhắc giảm thêm.
Ông Hải cũng cho biết không hẳn là giảm thuế môi trường, còn có thể là thuế nhập khẩu, cái gì giảm được thì nên giảm, cũng phải tính, Nếu chúng ta giảm thuế nhập nhiều cũng không hẳn tốt.
"Khi cho hàng hoá nước ngoài vào chúng ta cũng đánh đổi với hàng hoá trong nước, khi cần chúng ta cũng không nâng thuế lên được", ông Hải nói.
Theo ông Hải biện pháp cung ứng và giảm thuế đang được cố gắng và quyết liệt, Bộ ngành có đề xuất, cái nào có thẩm quyền của Quốc hội thì chắc chắn phải làm nhanh nhất.
Lãnh đạo Bộ Công Thương còn cho biết, ngoài biện pháp về nguồn cung, thuế phí, để giảm tác động giá của xăng dầu đối với đời sống người dân và nền kinh tế, chính sách an sinh, hỗ trợ đối tượng tác động mạnh là cần thiết.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, trong dự thảo sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính đề nghị Bỏ Quỹ bình ổn giá ra khỏi giá xăng dầu. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, doanh nghiệp và người dân. Quỹ bình ổn giá ra đời từ năm 2009, đến nay thực hiện hơn 13 năm và có những hỗ trợ thiết thực nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, vấn đề của Quỹ khiến các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra là khi quỹ âm, doanh nghiệp phải lấy vốn kinh doanh để bù đắp khi nhà điều hành yêu cầu trích quỹ, điều này gây tổn hại năng lực tài chính của doanh nghiệp. Việc tồn tại quá lâu Quỹ bình ổn đã và đang khiến giá xăng ở Việt Nam chưa theo kịp cơ chế thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.