Dân Việt

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương của dân Bình Định, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú

Thăng Bình 17/06/2022 14:03 GMT+7
Nếu cách đây chỉ hơn 10 năm, vùng Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định chỉ là làng chài nghèo ven biển, cuộc sống người dân thiếu thốn, xơ xác hàng quán, thì giờ đây đã trở nên giàu có, sung túc. Tất cả cũng nhờ phần lớn nghề săn cá bò gù hay còn gọi là cá ngừ đại dương nổi tiếng.

Khởi nghiệp từ nghề săn cá bò gù

Thậm chí, nhiều tỷ phú trẻ bất ngờ xuất hiện, các nhà lầu, "biệt phủ" tiền tỷ mọc chen chúc nhau, cửa hiệu lớn khắp nơi, cuộc sống thịnh vượng trải dài, tô điểm sự đổi thay ở vùng quê ven biển. 

Theo đó, những nhà cao tầng đồ sộ đều là của thợ câu cá ngừ đại dương. Có những thợ câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động.

Làng biển Thiện Chánh gồm các khu phố Thiện Chánh, Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 thuộc phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, nổi tiếng với nghề câu cá ngừ đại dương hay còn gọi là cá bò gù.

Toàn thị xã Hoài Nhơn có hơn 2.100 tàu cá đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm khoảng 60 - 70% lượng cá ngừ cả nước. Trong đó, phường Tam Quan Bắc có gần 1.100 tàu đánh bắt xa bờ, riêng làng Thiện Chánh có hơn 600 tàu.

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 1.

Con cá ngừ khủng được ngư dân Bình Định mang về bờ, phải dùng 4 cân mới cân được trọng lượng. Ảnh: TB.

Theo lời kể của ngư dân, tàu câu cá ngừ đại dương được trang bị không quá cầu kỳ, tuy nhiên nó lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người săn loài cá đặc biệt này. Hành trang mang theo là chiếc cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa.

Thường thì tàu ra biển từ 5 đến hơn 10 ngư dân, mỗi chuyến kéo dài từ 20 - 24 ngày.  Các ngư dân trong làng cho biết, thợ câu đi săn quanh năm và chia ra làm 2 đợt từ tháng 4 đến tháng 8, câu ở vùng biển Trường Sa, tháng 8 đến tháng 4 năm sau (vụ chính), câu ở vùng biển Hoàng Sa.

Đứng cạnh căn nhà cao tầng được xây dựng cách đây vài năm, ông Nguyễn Văn Sang (phường Tam Quan Bắc) cho biết, đây là thành quả hàng chục năm ròng rã lênh đênh trên biển, xa vợ xa con để mưu sinh với nghề câu cá ngừ đại dương. 

"Tôi đi biển từ năm 23 tuổi, thời điểm ấy ở vùng đất này thanh niên trai tráng không đi học hành xa thì chủ yếu là kiếm sống trên biển. Nghề câu cá ngừ đại dương không những làm thay đổi cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện, kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương", ông Sang nói.

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 2.

Dùng ròng rọc mang cá từ dưới hầm sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ảnh: TB.

Theo ông Sang, để có được cơ ngơi như hôm nay, ông cùng nhiều ngư dân trong vùng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí suýt mất mạng trên biển. Số lần gặp nạn không đếm hết, nhiều trường hợp gặp nạn bất ngờ, mất tích trên biển, nhiều năm vẫn không tìm thấy tung tích đã trở thành nỗi ám ảnh cho người đi biển.  

"Việc mưu sinh trên biển giờ gặp quá nhiều khó khăn, phí tổn cao nhưng giá cá lại quá thấp, trong khi đó thời tiết thất thường", ông Sang chia sẻ.

Nỗi đau đọng lại giữa biển khơi

Nghề câu cá ngừ đại dương mang lại cuộc sống phồn thịnh, nhưng cũng có nhiều số phận phải bỏ mạng giữa biển khơi.

Theo ông Nguyễn Văn Cước (phường Tam Quan Bắc) một ngư dân có tuổi nghề câu cá ngừ đại dương cứng cỏi trong vùng. 

Nghề câu cá ngừ đại dương đã giúp cuộc sống gia đình ông khấm khá, không còn cảnh lo chạy đói, chạy khát. Nhưng cũng chính nghề này, đã giữ đứa con trai N. M. Đ, cũng là "đồng nghiệp" của ông mãi mãi ở lại biển khơi. Từ nhỏ, ngư dân Đ đã theo cha đi biển, anh chẳng may gặp nạn mất tích trên biển, để lại vợ và 2 đứa con.

Căn nhà khang trang ông Cước giờ đây trở nên hiu hắt, những ánh mắt con chờ cha, vợ mong chồng, cha mẹ ngóng tin con…từ lâu đã chìm trong vô vọng. Vì họ biết, những khắc nghiệt mà tai nạn nghề biển mang lại. 

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 3.

Ngư dân đưa cá từ hầm tàu cập cảng. Ảnh: TB.

Bản thân ông Cước mắc bệnh tim lâu năm, đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật tim kèm với việc uống thuốc liên tục, nhưng tuổi cao đã khiến sức khỏe ngư dân này thuyên giảm. 

Ông Cước đã nghỉ đi biển từ 5 năm nay để lo sức khỏe, thế nhưng giờ đây đứa con trai mất tích, nhà không có người đi biển, ông Cước đành bấm bụng, liều mình cầm tàu vươn khơi. Vợ ông Cước, bà Ngô Thị Mỹ Đức (61 tuổi) cũng đau ốm liên miên, cùng với việc nội trợ bà cũng chạy đôn, chạy đáo làm thêm kiếm tiền phụ cháu ăn học. 

Thâm niên hơn 40 năm đi biển, lão ngư Nguyễn Thanh Hồng (61 tuổi, Trưởng khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc) in trong ký ức về sự gian truân, nghiệt ngã của nghề biển.

Theo ông Hồng kể, trước năm 1975, làng Thiện Chánh (nay là khu phố Thiện Chánh) chỉ có mấy chục nóc nhà dựng bằng cốt tre, lợp mái tranh đơn sơ. 

Người dân trong làng chỉ có nghề khai thác hải sản ven bờ, phương tiện đánh bắt nhỏ, trang bị thô sơ nên hiệu quả thấp và đời sống người dân, vì thế, cũng bấp bênh. Cũng bởi vậy mà cái nghèo, cái khó cứ mãi đeo bám làng biển từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Dù vậy, làng Thiện Chánh xưa kia nổi tiếng một thời nhờ có đội thợ câu cá nhám lão luyện. "Cá nhám còn gọi là cá mập cáo, ngư dân mệnh danh loài cá này là "cọp biển" bởi chúng rất hung hãn, mạnh mẽ khi đi săn mồi. Vậy nên nghề câu cá nhám rất nguy hiểm, đòi hỏi thợ câu phải bạo gan, lành nghề mới dám đối đầu, đánh bắt loài cá này", ông Hồng nói.

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 4.

Mỗi con cá nặng từ vài chục kg đến hàng trăm kg. Ảnh: TB.

Ông Hồng cho biết, 17 tuổi ông đã đi khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa làm nghề lưới vây, lưới rút, đến nghề câu vàng (còn gọi là câu giàn), chủ yếu để câu cá nhám. Cách đây khoảng 25 năm, trong một lần đi biển, bất ngờ tàu của ông Hồng cùng các ngư dân trên tàu câu được những con cá ngừ đại dương đầu tiên.

"Đêm đó, tàu chúng tôi bất ngờ gặp đàn cá lớn lên đến hàng ngàn con, khuấy động cả vùng biển. Nhìn thấy cảnh tượng đó ai cũng nổi da gà vì chưa gặp loài cá này bao giờ. Những con cá cắn câu chúng tôi bắt được nặng đến hơn nửa tạ. Đưa cá vào bờ mới biết đó là cá ngừ đại dương - loài cá mà ngư dân ở Phú Yên, Khánh Hòa đã câu nhiều năm rồi. Từ đó, tôi bắt đầu chuyển sang nghề câu cá bò gù, cá chuồn, cá thu và liên tục trúng lớn. Mỗi chuyến đi biển, thu nhập cao hơn trước từ 8 -10 lần", ông Hồng nói.

Ngư dân thành tỷ phú

Cũng theo lão ngư Nguyễn Thanh Hồng, khoảng từ năm 2000, ngư dân làng Thiện Chánh và nhiều làng biển khác ở thị xã Hoài Nhơn bắt chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Nhờ chính quyền địa phương vận động và tạo điều kiện cho vay vốn đóng tàu cá công suất lớn, nhiều người phất lên từ đó.

"Khi đó gia đình tôi cũng vay ngân hàng 60 triệu đồng để đóng thêm chiếc tàu khai thác hải sản xa bờ. Một năm sau, tôi đã trả hết nợ ngân hàng. Năm 2015, tôi góp vốn cùng vài người bạn đóng chiếc tàu trị giá gần 2 tỷ đồng để câu cá ngừ đại dương", ông Hồng chia sẻ.

Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, ngư dân càng vững tin bám biển. Từ đó, nhiều ngư dân ở Thiện Chánh nói riêng và các xã biển ở thị xã Hoài Nhơn nói chung trở thành tỷ phú, có ngư dân làm chủ đội tàu lên đến cả chục chiếc.

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 5.

Trọng lượng rất nặng, cá ngừ phải nhiều người khiêng mới di chuyển được. Ảnh: TB.

Trong số đó, lão ngư Bùi Thanh Ninh (65 tuổi, còn gọi là Sáu Ninh, ở khu phố Thiện Chánh 1), được dân địa phương gọi là "vua tàu cá" ở thị xã Hoài Nhơn. Thời hoàng kim, ông Sáu Ninh quản lý 12 chiếc tàu cá chuyên đánh bắt hải sản xa bờ.

Giờ đây dù tuổi đã cao, không còn "cưỡi gió, đạp sóng" nhưng ông Ninh vẫn ngồi nhà chỉ huy đội tàu 8 chiếc của gia đình, qua thiết bị định vị gắn trên các tàu, kết nối với điện thoại thông minh. Với thiết bị này, ông Ninh dễ dàng kiểm soát vị trí đánh bắt của đội tàu, nắm được tình hình khai thác, đặc biệt là điều phối các tàu hỗ trợ nhau nếu không may gặp sự cố trên biển.

Giờ đây, ở Thiện Chánh không chỉ có ông Sáu Ninh có cơ ngơi hoành tráng với nhà lầu, xe hơi. Nhiều ngư dân ở đây sở hữu vài ba chiếc tàu trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ngư dân Trần Văn Sơn (50 tuổi, ở khu phố Thiện Chánh 2) làm chủ đội tàu gồm 7 chiếc. Hay các ngư dân Huỳnh Quang Đạo, Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Tình, Trần Trung Sơn… đều sở hữu 3 - 6 tàu cá.

Đến nay, khu phố Thiện Chánh 2 có khoảng 665 hộ, chủ yếu làm nghề liên quan đến khai thác hải sản, thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Cả khu phố có hơn 90 nhà cấp 3 (2 tầng kiên cố trở lên). Còn khu phố Thiện Chánh 1 có hơn 600 hộ và 100 nhà cấp 3, thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng/người/năm.

'Sinh tử' nghề săn 'thủy quái' đại dương, người bỏ mạng, người phất lên tỷ phú - Ảnh 6.

Cá ngừ đại dương được ngư dân mang vào bờ bán cho thương lái. Ảnh: TB.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, năm 2020, sản lượng khai thác hải sản đạt 23.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt gần 5.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 82 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, dịch Covid-19  bùng phát, sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 15.000 tấn, tổng sản phẩm địa phương đạt gần 4.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người giảm xuống còn 75 triệu đồng/người/năm.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, ngư dân đã đánh bắt được trên 5.000 tấn hải sản các loại, trong đó cá ngừ đại dương hơn 3.000 tấn. Nghề đánh bắt đang hồi phục nhanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhờ vậy mà đời sống người dân đã ổn định lại.