Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm do tác động tiêu cực của đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước đối với triển vọng kinh tế khiến giá dầu hôm nay giảm mạnh, trong đó dầu Brent đã trượt về mức 113,56 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,55 USD/thùng, giảm 6,37 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 113,56 USD/thùng, giảm 6,25 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 18/6 giảm mạnh khi thị trường dầu thô lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng lãi suất, trong đó đáng kể nhất phải là quyết định tăng mạnh lãi suất 0,75 điểm % của Fed.
Theo giới chuyên gia, việc tăng lãi suất chưa chắc có thể “hạ nhiệt” được lạm phát nhưng chắc chắn nó sẽ tác động rất mạnh đến mặt bằng giá cả hàng hoá, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Thực tế là trong phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 15/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã thừa nhận lạm phát đang khó kiểm soát hơn.
Trước đó, trái với kỳ vọng, lạm phát của Mỹ đã nhảy vọt lên mức 8,6% vào tháng 5/2022, bất chấp Fed đã có động thái tăng lãi suất 0,5 điểm %.
Áp lực tăng trưởng gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn sẽ làm giảm các nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin Mỹ thông báo trừng phạt một số công ty của Trung Quốc và UAE cùng với một mạng lưới công ty của Iran đã giúp xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu của Iran.
Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá dầu hôm nay đi xuống.
Dầu thô có thể chịu sức ép trong ngắn hạn khi Mỹ tìm cách hạ nhiệt giá dầu.
Tổng thống Joe Biden ngày càng chịu áp lực phải hạ nhiệt giá xăng khi mà các cuộc khảo sát cho thấy giá năng lượng tăng cao đang là một trong các vấn đề khiến cho người dân Mỹ quan tâm hàng đầu. Quan trọng nhất, thời điểm tháng 11 tại Mỹ sẽ diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hạ viện, do đó áp lực để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình hiện tại là tương đối lớn.
Gần đây, Chính phủ Mỹ liên tục có các động thái như mở các cuộc họp khẩn cấp với các công ty dầu lớn như Exxon Mobil và Marathon Petroleum, và kêu gọi các công ty lớn có động thái để tăng công suất khai thác cũng như công suất lọc dầu. Trước đấy, Mỹ cũng đã gỡ bỏ một số quy định về tỷ lệ tối đa trộn ethanol để giảm bớt tiêu thụ dầu.
Tuy vây, với các báo cáo hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA vẫn luôn chỉ ra công suất lọc dầu hiện đã ở mức cao 94%, các công ty cũng khó có thể ngay lập tức tìm ra giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Một lựa chọn nữa là sử dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng như Mỹ áp dụng trong giái đoạn Chiến tranh Lạnh, để khởi động lại công suất nhà máy lọc dầu không hoạt động. Mỹ cũng có thể tạo ra các ngoại lệ để giảm một số quy định như chỉ có các tàu gắn cờ Mỹ mới được vận chuyển dầu giữa các cảng nội địa. Nếu được áp dụng, chắc chắn đây sẽ là yếu tố gây áp lực đến giá dầu, do tạo thuận tiện cho dòng chảy dầu và có thể giúp Mỹ dễ dàng nhập khẩu hơn, tăng tồn kho trong nước. Do đó, các động thái tiếp theo của Nhà Trắng trong thời gian tới, đặc biệt là kết quả cuộc họp ngày 23 sẽ là một trong các thông tin quan trọng thị trường cần theo dõi.
Tại thị trường trong nước, ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng dầu lại tăng mạnh từ 15 giờ ngày 13/6 khi xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít còn xăng RON 95-III tăng 797 đồng/lít.
Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.
Cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu mazút ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời, chi sử dụng quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút không chi.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít, tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 32.375 đồng/lít, tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít, tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 20.357 đồng/kg, giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Tại kỳ điều hành giá ngày 1/6, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh khi xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít và dầu hỏa tăng 941 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 15 đợt. Trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
“Bộ Tài chính đã trình tới Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin ngắn gọn.