Nguyễn Phương
Thứ ba, ngày 14/06/2022 09:09 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 14/6: Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng nay do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt và triển vọng về những đợt tăng lãi suất. Trong nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, kiểm soát giá để kiềm chế lạm phát...
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 14/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 117,93 USD/thùng, giảm 0,32 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,80 USD/thùng, giảm 0,47 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 14/6 có xu hướng giảm chủ yếu do đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất 20 năm nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất sau khi lạm phát Mỹ tiếp tục leo đỉnh.
Giá dầu hôm nay giảm còn do lo ngại tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài sẽ khiến nguy cơ suy thoái ngày một lớn hơn.
Trước đó, giá dầu thô giảm mạnh do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc trong bối cảnh nhiều khu vực ở Bắc Kinh, Thượng Hải tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Nguồn cung hiện rất khó để gia tăng, nên các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc giá dầu sẽ hạ nhiệt nhờ sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ. Ngân hàng Goldman Sachs cũng cho rằng giá năng lượng sẽ cần tăng cao hơn nữa để người Mỹ bắt đầu cắt giảm tiêu thụ.
Với tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới hiện nay, người tiêu dùng vẫn có khả năng để hấp thụ mức giá cao hơn. Vì vậy, nếu Fed ưu tiên việc kiềm chế lạm phát bằng việc sử dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ gắt gao hơn, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Tại thị trường trong nước, ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng dầu lại tăng mạnh từ 15 giờ ngày 13/6 khi xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít còn xăng RON 95-III tăng 797 đồng/lít.
Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng một lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng một lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng một lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng một lít, còn 20.350 đồng.
Cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu mazút ở mức 300 đồng/kg.
Đồng thời, chi sử dụng quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút không chi.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít, tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 32.375 đồng/lít, tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít, tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 20.357 đồng/kg, giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Tại kỳ điều hành giá ngày 1/6, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh khi xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít và dầu hỏa tăng 941 đồng/lít.
Tại cuộc họp với các Bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu hôm qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động với mặt hàng chiến lược này.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ Bình ổn hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng, dầu qua biên giới.
Ông cũng yêu cầu các Bộ, ngành quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, công bố hàng tháng để hỗ trợ doanh nghiệp…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.