Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Quách Văn Đức, nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tín Nghĩa (TP Biên Hòa).
Ông Đức bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219, Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngay sau khi công bố các quyết định, cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Quách Văn Đức.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch. Đây là doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Tín Nghĩa.
Theo điều tra của công an, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đức có liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh.
Dự án này có diện tích trên 500ha tại hai xã Long Tân, Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch, còn gọi là dự án Đông Sài Gòn) do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh mà ông Quách Văn Đức bị khởi tố là một trong các tội phạm về chức vụ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
Tội danh được áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn, được giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vi phạm quy định về chế độ quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tội danh này có mức phạt cao nhất là 20 năm tù, mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Hòe cho biết, theo quy định của pháp luật, chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn, là người được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
Từ bình luận trên, vị luật sư cho biết, tùy tính chất mức độ, số tiền gây thất thoát, lãng phí mà ông Quách Văn Đức có thể phải đối mặt với các mức phạt như trên.
Điều 219 Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi
b) Có tổ chức
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.