Một vườn sầu riêng với những trái lúc lỉu đang mùa thu hoạch. Chủ nhân khu vườn là một người nông dân với quan điểm trồng sầu riêng thuận tự nhiên, thuận thời tiết, không ép sầu riêng phải ra hoa, ra trái nghịch vụ. Thành quả từ sầu riêng đã giúp gia đình người nông dân ấy no ấm, khá giả.
Ông Nguyễn Hữu Trí trong vườn sầu riêng của gia đình ở xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Đưa khách đi thăm vườn nông dân, chị Lã Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, đây là một trong những vườn sầu riêng đẹp, sản xuất hiệu quả của bà con. Đó chính là hộ ông Nguyễn Hữu Trí, Thôn 3, xã Quảng Trị, vườn sầu riêng tơ được quy hoạch rất đẹp ngay sông Đạ Tẻh.
Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, giống như hầu hết cư dân trong xã, trước vườn sầu riêng này cũng là vườn điều. Năng suất thấp, giá không cao, cây điều là cây xóa đói nhưng khó giảm nghèo. Vậy là học hỏi bà con xung quanh, ông Trí chặt điều, xuống giống sầu riêng vào năm 2007.
Ông Trí chia sẻ: “Thực ra mình trồng sầu riêng ở khoảng thời gian 2007-2008 là đã chậm hơn nhiều bà con xung quanh. Nhưng nhờ trồng sau, mình rút được các kinh nghiệm như phải trồng giống chuẩn, kỹ thuật trồng tốt. Chính vì vậy mà vườn sầu riêng của gia đình phát triển nhanh, trái ngon, được thị trường ưa chuộng”.
Từ thực tế nhìn thấy,ông Trí lấy giống sầu riêng chuẩn như Ri6, Monthon, chuẩn hóa giống ngay từ đầu chứ không để tình trạng trồng cây giống kém chất lượng.
Khi xuống giống sầu riêng, ông Trí cũng đặc biệt chú trọng kỹ thuật trồng. Tham gia các lớp về kỹ thuật, học hỏi từ nông dân xung quanh, ông Trí xác định sầu riêng phải trồng nông, không trồng “âm” xuống đất.
Theo ông, sầu riêng rất dễ úng, bộ rễ cần không khí và đất thoáng, xốp. Vì vậy trồng sầu riêng nên trồng nông để tránh bộ rễ bị úng nước, sầu riêng dễ “thở”.
Tuân theo quy tắc này, vườn sầu riêng nhà ông đều trồng thưa và khá nông, tán sầu riêng tròn, thấp vì được ngắt ngọn sớm, không để sầu riêng cao vút. Nước tưới được bơm từ sông Đạ Tẻh lên vì theo ông Trí, nước sông sạch và có lượng dinh dưỡng hợp lí.
Ông sử dụng béc tưới vòng, tưới đều bao xung quanh gốc sầu riêng vì tránh tình trạng nước tưới lệch dẫn đến tán sầu riêng cũng bị lệch. Sau 13-14 năm canh tác, hiện, vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Hữu Trí đang ở tuổi ra trái mạnh. Tuy nhiên, tuân theo nguyên tắc để cây dưỡng sức, tùy cây mà ông Trí tỉa trái, chỉ để lại từ 1-1,5 tạ/cây.
Một điều khá đặc biệt ở vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Hữu Trí là quan điểm để sầu riêng ra trái tự nhiên của ông.
Ông Trí chia sẻ, nhiều nông hộ sử dụng một số loại thuốc, một số kỹ thuật để “ép” cây ra trái theo vụ, theo thời gian yêu cầu. Quan điểm của ông Trí là cây cũng như con người, khi đến độ cần đơm bông, kết trái, cây sẽ tự động ra bông và kết trái. Ông chỉ làm nhiệm vụ tỉa bớt khi bông quá dày, trái quá nhiều, giúp trái ra đạt trọng lượng vừa phải, hình thức tròn đẹp. Không ép cây, cây ra theo thời vụ tự nhiên sẽ giúp cây mạnh hơn, sức sống bền hơn.
Đồng thời, ông cũng để trái sầu riêng chín đủ độ, đến lúc rụng mới thu hoạch, cung cấp ra thị trường. Sầu riêng rụng là trái chín mùi, cho hương thơm và chất lượng tốt nhất. Vì vậy, chất lượng sầu riêng của ông Nguyễn Hữu Trí luôn được bảo đảm, thu hoạch tới đâu tiêu thụ tới đó.
Ông Trí chia sẻ: “Một điều khá may mắn là vùng Quảng Trị chúng tôi sầu riêng chín sớm hơn các huyện lân cận. Vì vậy giá sầu riêng cũng khá tốt, giúp người nông dân có thu nhập cao. Tôi thì luôn giữ quan điểm mình làm ra những trái sầu riêng sạch, ngon, bà con ăn cũng vui lòng, vừa tốt cho người trồng sầu riêng, vừa đưa tới cho bà con thứ quả đặc sản chất lượng”.
Đánh giá về ông Nguyễn Hữu Trí, chị Lã Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận xét ông là một nông dân rất xuất sắc. Vừa làm kinh tế giỏi, ông còn sẵn sàng tham gia mọi sinh hoạt trong Hội, trong xóm, thôn, luôn thể hiện tinh thần nhiệt tình. Ở tuổi 64, ông Trí xứng đáng với vai trò người nông dân tiên tiến, sẵn sàng học tập kiến thức mới, đồng thời san sẻ kinh nghiệm cho bà con xung quanh.