Là địa phương có diện tích nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch đang tích cực hỗ trợ người nuôi, nhất là kêu gọi nhà đầu tư nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm thâm canh, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển bền vững.
Đây cũng là định hướng phát triển của Đồng Nai về ngành nuôi thủy sản nước lợ trong giai đoạn tới.
Hiện nay, nuôi tôm trong ao nổi là mô hình đang được người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn Đồng Nai quan tâm đầu tư. Đây là hình thức mang lại hiệu quả bền vững về mặt kinh tế cũng như môi trường với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách nuôi truyền thống.
Nuôi tôm trong ao nổi có nhiều tiện ích như: vách ao thẳng đứng nên hạn chế được chất bẩn và rong bám xung quanh thành ao, từ đó giảm được công đoạn vệ sinh ao, hạn chế được bệnh đường ruột do tôm ăn chất bẩn này. Kết cấu ao nuôi nổi nên không có hiện tượng thẩm thấu ngược từ ngoài vào trong, hạn chế dịch bệnh lây nhiễm từ môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, ao nuôi thường có hình tròn, quy mô nhỏ nên khi vận hành quạt nước tạo lực ly tâm cao nên các chất thải được gom vào chính giữa, rất thuận tiện cho việc xử lý, giữ môi trường nước nuôi sạch, tiết kiệm nhiên liệu và nhân công nuôi.
Ông Bạch Công Tài, nông dân nuôi tôm trong ao nổi tại ấp Bà Trường, xã Phước An (H.Nhơn Trạch), cho biết ông đã đầu tư 3 khu nuôi tôm trong ao nổi với tổng diện tích khoảng 3ha. Người nuôi tôm theo mô hình này hầu như không lo thất bại vì nguồn nước nuôi được xử lý rất kỹ, qua 5-7 giai đoạn ở hệ thống ao lắng nên hạn chế rủi ro về dịch bệnh trên con tôm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Phạm Thanh Tuấn cho biết, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đạt khoảng 1,1 ngàn ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao khoảng 200ha. “Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ở ao nổi được nông dân đầu tư nhiều. Đặc biệt, tại ấp Bà Trường đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nuôi này. Mỗi tháng có cả chục ha được đầu tư mới nên chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi tôm thâm canh ao nổi phủ bạt tại đây đã đạt hơn 60ha” - ông Tuấn nói.
Theo nông dân Bạch Công Tài, từ đầu năm đến nay, giá tôm ổn định ở mức người nông dân có lợi nhuận tốt. Năm nay, người nuôi tôm đạt lợi nhuận tốt hơn năm ngoái.
Băn khoăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là chưa có doanh nghiệp bao tiêu cho người nuôi, thương lái thao túng hoàn toàn việc thu mua tôm nên đầu ra còn bấp bênh. Người dân mong được hỗ trợ kết nối về đầu ra để yên tâm đầu tư.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho hay, hiện tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt gần 1,7 ngàn ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Phước An và Vĩnh Thanh. Trong đó, có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao.
Địa phương đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Vì nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.
Để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) quan tâm đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác, HTX nuôi tôm; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Địa phương rất quan tâm thu hút doanh nghiệp về đầu tư các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn.
Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh nội đồng có hệ thống sông, hồ phong phú nên bên cạnh thế mạnh nuôi thủy sản nước ngọt thì Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch, riêng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại Nhơn Trạch đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.
Với thế mạnh để phát triển nuôi thủy sản nước lợ, nhất là nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, huyện cần quan tâm, vận dụng chính sách tập trung cho đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm như là đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi phục vụ yêu cầu sản xuất, để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện về đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhằm khai thác hết giá trị, tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương.