Nuôi rắn ráo trâu, anh nông dân tỉnh Đồng Nai thu nửa tỷ đồng năm
Nuôi con lột xác bằng bí quyết gây bất ngờ, anh nông dân tỉnh Đồng Nai thu nửa tỷ/năm
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 30/11/2021 13:02 PM (GMT+7)
Tự làm giống, làm thức ăn và có mối hàng ổn định, anh Nguyễn Thái Trung (xã Thái Sơn, Định Quán, Đồng Nai) thu nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi rắn ráo trâu (hay còn gọi là rắn hổ hèo, rắn hổ vện).
Hiện, trang trại nuôi rắn ráo trâu của anh Nguyễn Thái Trung chia thành 3 khu: Khu nuôi rắn sinh sản, khu nuôi rắn thương phẩm và khu nuôi rắn giống với hơn 2.000 con rắn lớn, nhỏ...
Dạy rắn ráo trâu ăn mồi chết
Sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, chúng tôi đã có mặt tại trại nuôi rắn hổ vện của anh Trung. Khác với nhiều nông dân nuôi rắn phải "treo" chuồng, anh Trung tỏ ra khá bình thản với việc tiêu thụ rắn. "Một số mối lái gọi điện kêu tôi giao rắn hổ hèo lại để xuất khẩu đi Trung Quốc", anh Trung cho biết.
Theo anh Trung, khởi nghiệp nuôi rắn ráo trâu anh phải đi vay mượn tiền để đóng chuồng và mua rắn giống.
Thế nhưng, sau 10 năm nuôi loài lột xác anh Trung đã tự nhân giống rắn để nuôi thành rắn thịt...
Tuy nhiên, theo anh Trung, cái khó nuôi rắn không phải là con giống mà là thức ăn. Thức ăn của loài hoang dã này là mồi sống, gồm: Ếch, nhái, vịt con…
Ngay ban đầu nuôi, bao nhiêu ếch, nhái, cóc…anh Trung ngày đêm đi bắt đều không đủ cho rắn ăn. Một con rắn 1,5 – 2kg ăn mỗi bữa 100 – 200g thức ăn.
Đuối sức, anh Trung cho ăn mồi chết. Rắn không ăn. Lượng rắn nuôi ngày càng hao hụt do thiếu đói.
Để cứu đàn rắn, anh Trung nghĩ ra cách tập cho rắn ăn mồi chết.
Anh mua gà từ các công ty rồi đem về làm sạch, cắt từng miếng mồi nhỏ và dự trữ trong tủ đông để cho rắn ráo trâu ăn dần. Những con chịu ăn anh giữ lại gây giống, còn con nào không chịu ăn mồi chết anh bán dần.
Sau thời gian thuần hóa, giờ loài bò sát lột xác này đã biết ăn mồi chết.
Theo anh Trung, rắn ráo trâu có 2 loại bệnh phổ biến: Đó là tiêu chảy và bệnh phổi. Khi rắn có triệu chứng 2 bệnh này, nếu người nuôi không can thiệp kịp thời khoảng 2 - 3 ngày rắn sẽ chết. "Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho rắn là tốt nhất", anh Trung chia sẻ.
Theo đó, cần chăm sóc nuôi dưỡng rắn ráo trâu tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng.
Riêng chuồng trại nuôi rắn luôn phải sạch sẽ, không lầy lội, không quá nóng, quá lạnh, tránh ruồi nhặng và các loại côn trùng khác gây hại.
Anh Trung thổ lộ, có thời điểm rắn dưới tuần tuổi, chưa biết ăn mồi, anh đã bán được giá 200.000 đồng/con. Rắn ráo trâu thương phẩm bán 600.000 đồng/kg. Có năm, anh bán khoảng 3.000 rắn giống, thu hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc mua bán rắn nói chung và rắn ráo trâu nói riêng trở nên khó khăn.
"Rắn ráo trâu không xuất bán sang thị trường Trung Quốc được do tình hình bùng phát dịch Covid-19. Nhiều người nuôi rắn phải treo chuồng", anh Trung bộc bạch.
Nhưng anh Trung vẫn kiên trì nuôi đàn rắn ráo trâu vì tin rằng sẽ có lúc "cầu vượt cung", thị trường rắn ráo trâu lại dần trở nên bình thường..
Quả đúng vậy, khi nhiều nông dân nuôi rắn "treo" chuồng, khi dịch Covid-19 tạm lắng, nhu cầu mua rắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại khởi động.
"Vừa rồi có một số thương lái liên hệ mua rắn ráo trâu với số lượng lớn. Tình hình tiêu thụ rắn ráo trâu đang rất khả quan", anh Trung chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.