Anh Hoàng Xuân Thủy (Phường 4, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) hiện là hội viên hội nông dân duy nhất của TP Đà Lạt triển khai thành công mô hình nuôi cá tầm nước lạnh tại địa phương kết hợp với du lịch trải nghiệm tại hồ cá tầm của mình.
Hơn 10 năm trước, anh Hoàng Xuân Thủy nhập giống về nuôi cá hồi nhưng không khả quan và mất nhiều thời gian để luân chuyển nguồn vốn đáp ứng chi phí hàng ngày. Tình cờ, anh có dịp đi dự hội thảo do Hội Nông dân thành phố tổ chức, chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá tầm nước lạnh, cảm thấy thích thú nên về anh tự tìm tòi, học hỏi thêm.
Anh Hoàng Xuân Thủy với mô hình nuôi cá tầm tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Sau đó, gia đình anh đã quyết định mở rộng chăn nuôi, từ nuôi cá hồi kết hợp với cá tầm để tận dụng lợi thế có sẵn về quỹ đất, cũng như nguồn nước phù hợp… Nguồn vốn đầu tư ban đầu để anh Thủy xây dựng 5 bể chứa xi măng và mua con giống khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Hoàng Xuân Thủy cho biết: Tận dụng đất vườn gần rừng có nguồn nước đầu nguồn sạch nên anh đã thử nghiệm đo lường và kết quả cho thấy đủ điều kiện, hoàn toàn phù hợp để anh thử sức nuôi cá tầm tại địa phương.
Nguồn nước đầu nguồn được anh Thủy dẫn ống nhựa xuống 2 bể lắng, lọc nước xuống bể chứa, hiện đủ cung cấp cả 2 mùa nắng, mưa cho 5 bể cá với diện tích 300 m2.
Được biết, cá tầm là giống cá chỉ thích hợp ở môi trường nước sạch và sống ở những nơi có nguồn nước chảy, nhiệt độ nước hồ phải được duy trì từ 15 đến 20 độ C mới đảm bảo cá sinh trưởng tốt trong môi trường “bán tự nhiên”…và để cấp đủ hàm lượng ô xy, duy trì dòng chảy liên tục, thay vì đầu tư các thiết bị máy sục khí, máy thổi khí như những hồ nước có quy mô lớn ở các doanh nghiệp, anh Thủy đã lắp thêm các ống nước chảy liên tục cả ngày đêm theo đường ống luân hồi để đảm bảo cá tầm có thể thích nghi tốt với môi trường sống mới. Đồng thời, loài cá “thượng lưu” này cũng đòi hỏi loại thức ăn từ cám tổng hợp có chi phí khá cao được nhập từ nước ngoài…
Mặc dù, thời gian đầu, nuôi cá hồi với cá tầm đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn và những điều kiện, kỹ thuật hết sức khắt khe nhưng với kinh nghiệm nhiều năm thăng trầm, giờ đây anh Thủy đã có thể ra mắt sản phẩm cá hồi, cá tầm thương phẩm cao cấp tại ao nhà.
Cá giống được anh Thủy nhập ở huyện Lạc Dương về có giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/con tùy vào kích thước cá. Sau đó, cá sẽ được anh nuôi từ 12 đến 14 tháng, xuất ao khi đủ từ 1,8 kg trở lên, giá dao động hiện nay là 200.000 đồng đến 220.000 đồng/kg, nếu khách muốn tự trải nghiệm đánh bắt cá và chế biến phục vụ tại ao nhà, thì 1 kg cá tầm trọn gói sẽ có giá là 500.000 đồng. Trung bình, hồ cá nhà anh Thủy xuất khoảng 6 tấn/năm. Tính đến nay, trừ các chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh Thủy thu về khoảng 500 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình “du lịch canh nông” mang lại ưu thế, thu nhập cao nên anh đã nảy ra ý tưởng tận dụng hồ cá có sẵn để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm bắt cá thực tế tại ao, sau đó chế biến thành các món ăn phục vụ tại chỗ, tạo được sự thích thú cho nhiều du khách.
Thời gian tới, anh Thủy dự định sẽ mở rộng thêm hồ cá để tìm kiếm đối tác, tham gia chuỗi liên kết, từ đó chủ động hoàn toàn quá trình sản xuất, cũng như ổn định thị trường.
Ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: Có thể nói, mô hình nuôi cá nước lạnh đã được hội nông dân đầu tư nhiều giải pháp, trăn trở suốt những năm qua để có thể cùng gia đình anh Thủy thực hiện thành công nghề nuôi cá tầm tại địa phương.
"Mô hình này là tiền đề, động lực để Hội Nông dân các phường, xã có thêm cơ hội mở ra ngành nghề mới cho hội viên của mình. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục triển khai các buổi hội thảo về khoa học, kỹ thuật về việc nuôi cá nước lạnh và chia sẻ kinh nghiệm từ gia đình anh Thủy, để từ đó có thể phát triển nghề nuôi cá tầm, cá hồi ở địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh....", ông Nguyễn Đức Công cho hay.