Tại hội nghị cuối cùng khi Pháp đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên EU này, ông nhấn mạnh cuộc xung đột tại Ukraine “chỉ hợp thức hóa” nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của châu Âu về chủ quyền và càng đẩy nhanh chương trình nghị sự của EU.
Trong động thái được đánh giá là “chứng minh” cho phát biểu trên, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhất trí trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Moldova và đặc biệt là Ukraine, một quyết định nhanh chưa từng có.
Quyết định được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho là “lịch sử” này sẽ cho phép Ukraine dấn thêm một bước trong tiến trình gia nhập EU cùng với nước láng giềng. Bày tỏ trên mạng xã hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi đây là “một thời khắc lịch sử và độc nhất trong quan hệ Ukraine - EU”, trong khi Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng cho rằng các nước EU đã phát đi “một tín hiệu ủng hộ rõ ràng và mạnh mẽ” đối với cả hai nước.
Ukraine đã được hưởng quy chế chỉ sau 4 tháng nộp đơn. Chưa bao giờ các nước thành viên EU có ý kiến chấp thuận đối với một quốc gia bên ngoài trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy. Điều này được hiểu ở động cơ chính trị đằng sau quyết định của EU: Đưa ra một “tín hiệu rất mạnh mẽ đối với nước Nga” như phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Quyết định của Hội đồng châu Âu thực ra là động thái mang tính biểu tượng đối với cả Ukraine lẫn Moldova, bởi đây chỉ là khởi đầu của một hành trình phức tạp và kéo dài nếu xét đến các tiêu chuẩn không thể hạ thấp của EU về kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là về tự do, nhà nước pháp quyền và nhân quyền. Hơn nữa, quyết định được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Ukraine sẽ bổ sung thêm nhiều thách thức cho cả Kiev lẫn EU trong những chặng đường tới.
Nhà phân tích Georgina Wright, Giám đốc chương trình châu Âu của Viện Montaigne (Pháp) nhận định: “Nếu áp lực chính trị do xung đột tạo ra đã khiến việc trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine được thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục, thì ngược lại sự gia nhập của nước này sẽ không thể diễn ra ngay lập tức”. Theo chuyên gia này, việc xét kết nạp Ukraine phải có được một đảm bảo liên quan đến cả hai phía. Đó là khả năng của Ukraine trong việc đáp ứng các quy định của EU và ngược lại, khả năng của EU trong việc tiếp nhận một thành viên mới và cá biệt như Ukraine.
Ngày 17/6, phát biểu trước báo chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng Ukraine “đã thực hiện khoảng 70% các quy định, định mức và tiêu chuẩn của EU” và thể hiện “là một nền dân chủ tổng thống và nghị viện rất vững chắc, một nền hành chính công hoạt động rất tốt, đã có những thành công trong cải cách phi tập trung hóa, có một nền kinh tế thị trường vận hành đầy đủ”. Năm 2014, Ukraine đã ký thỏa thuận liên kết với EU, trong đó có hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ đầu tháng 9/2017, cho phép Ukraine thực hiện các mục tiêu cải cách thể chế và nền kinh tế theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.
Về phần mình, liệu EU có đủ khả năng để tiếp nhận một quốc gia ứng cử như Ukraine hay không cũng là vấn đề cần được giải đáp. Nói cách khác, việc xem xét và kết nạp Ukraine không phải là vấn đề một chiều. Ngoài những đòi hỏi đặt ra đối với Ukraine, bản thân EU cũng phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về ngân sách, năng lực ra quyết định... để có thể kết nạp thêm thành viên. Nếu Ukraine hội nhập EU, nước này sẽ là thành viên lớn nhất xét về diện tích và có quy mô dân số đứng hàng thứ năm, làm ảnh hưởng đến cán cân quyền lực khi Kiev có sự hiện diện nổi trội trong Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Đây là vấn đề không mấy dễ chịu đối với các thành viên khác.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, cũng trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 17/6, nói rằng Ukraine “vẫn còn nhiều việc quan trọng phải làm”, nhất là phải cho thấy những tiến bộ về “nhà nước pháp quyền, quản lý giới tài phiệt, chống tham nhũng và thực hiện các quyền cơ bản”. Lời phát biểu này cũng có thể được hiểu như một sự cảnh báo đối với Kiev. Nếu không đạt được các mục tiêu cơ bản sau vài năm, quy chế ứng cử viên mà Ukraine dễ dàng được hưởng sẽ bị lung lay, thậm chí có thể khiến nhóm 27 nước rút lại quyết định, như một quan chức cấp cao châu Âu khẳng định “Quy chế ứng cử viên là điều có thể đảo ngược”. Nếu Ukraine đã được Hội đồng châu Âu trao quy chế thì thể chế này cũng hoàn toàn có thể rút lại quyết định của mình.
Quy chế ứng cử viên cho phép Ukraine chính thức mở các cuộc đàm phán với EU, phải vượt qua khoảng 30 chương đàm phán bao trùm toàn bộ hoạt động của EU, chẳng hạn như thuế, quyền của người thiểu số, di chuyển tự do của hàng hóa và con người, các vấn đề môi trường... Các chương đàm phán này đều nhằm mục đích xác thực luật pháp của Ukraine có phù hợp với luật của EU hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng phát biểu hồi tháng 5 rằng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.
EC sẽ có những đánh giá ban đầu về tiến độ thực hiện của Ukraine vào cuối năm nay. Nhưng thật khó để tưởng tượng giữa hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong điều kiện địa chính trị và cục diện châu Âu hiện nay. Bối cảnh xung đột quân sự tại Ukraine sẽ khiến các nước EU theo dõi chặt chẽ cách thức Ukraine bảo vệ các dân tộc thiểu số, gồm các cộng đồng người Hy Lạp, Bulgaria, Hungary và đặc biệt là người Nga, bởi đây cũng là một khía cạnh quan trọng khi xem xét khả năng của Kiev đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu.
Lịch sử EU cho thấy rằng quá trình đàm phán để kết nạp một ứng cử viên chưa bao giờ diễn ra thuận lợi, có thể mất nhiều năm và thậm chí có thể đảo bị ngược. Để ví dụ, Montenegro được trao quy chế ứng cử viên từ năm 2010 nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành ba chương đàm phán trong số 33 chương dự kiến. Serbia (năm 2007) mới thực hiện được hai chương, trong khi Bắc Macedonia (năm 2005) chưa hoàn thành bất kỳ chương nào.
Tiếp tục so sánh, Serbia, nước nộp đơn vào năm 2009 phải đợi đến năm 2012 mới được trao quy chế ứng cử viên và năm 2013 mới có thể khởi động các cuộc đàm phán. Nhưng cũng như các trường hợp của Albania, Bắc Macedonia và Montenegro, đến nay Serbia vẫn tiếp tục đàm phán và “đợi một ngày đẹp trời” để được bước qua cánh cổng của EU. Ví dụ điển hình nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập khối này từ năm 1987, để được trao quy chế ứng cử viên vào năm 1999 và bắt đầu đàm phán vào năm 2005, nhưng tất cả đều đang bế tắc.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán kết thúc, Ukraine cũng có thể phải chờ đợi một cuộc cải cách về chức năng của các thể chế EU, nhất là về quy tắc đồng thuận giữa 27 nước thành viên hiện vốn đang được cho là nguyên nhân cản trở tiến trình ra quyết định của liên minh.
Cuối cùng, một khi các cuộc đàm phán đã hoàn tất, việc gia nhập của Ukraine sẽ phải được thông qua một lần cuối tại 27 quốc gia thành viên. Đây cũng là khâu quyết định nếu biết rằng tại một số nước, số phận chính trị của quốc gia ứng cử viên phải được định đoạt thông qua trưng cầu dân ý. Nếu như Ukraine có thể dễ dàng được hưởng quy chế ứng cử viên tại Hội nghị thượng đỉnh lần này nhờ động cơ chính trị của EU, thì việc Kiev một ngày nào đó chính thức được đứng chung hàng ngũ với 27 nước thành viên trong khối lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Giấc mơ EU của Ukraine có thể sẽ trở thành hiện thực, nhưng không phải trong một tương lai gần.