Dân Việt

Người cán bộ tâm huyết công tác quy tập hài cốt liệt sĩ

Đã qua nhiều năm sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khiến công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn hơn, trong khi hậu phương vẫn đang từng ngày, từng giờ trông ngóng đưa các anh trở về.

Thấu hiểu sâu sắc điều đó, Đại úy QNCN Trần Thanh Tùng, nhân viên Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận luôn đau đáu hành trình đi tìm đồng đội, thuyết phục đồng bào dân tộc Ra Glay có mộ liệt sĩ chôn theo phong tục bỏ mả, cho phép đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhà.

quy-tap-hai-cot-liet-si.jpg

Đồng chí Trần Thanh Tùng (hàng đầu) quy tập hài cốt liệt sĩ (Ảnh chụp năm 2020 khi đang mang quân hàm Thượng úy QNCN). Đỗ Thị Ngọc Diệp (HT: 6NH - 203 Đà Nẵng)

Theo tín ngưỡng của đồng bào Ra Glay, khi người chết đã được làm tục bỏ mả, thì không ai dám chỉ hoặc động đến những ngôi mộ đó. Đại úy QNCN Trần Thanh Tùng và đồng đội đã kiên trì vận động các già làng, người có uy tín các tộc họ cùng đại diện cấp ủy chính quyền địa phương đến tận nhà người dân thuyết phục gắn với hoạt động công tác dân vận và giải quyết các chế độ chính sách. 

"Mưa dầm thấm lâu", một lần chưa được thì nhiều lần, một số gia đình, thân nhân liệt sĩ đã đồng thuận và cho phép đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Từ thành công bước đầu, anh huy động các gia đình cùng tham gia tuyên truyền, vận động. Kết quả là, từ năm 2016 đến nay, ban chính sách đã tìm kiếm, quy tập, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh được 90 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 17 hài cốt liệt sĩ là người đồng bào dân tộc Ra Glay.

Để thực hiện tốt nhất công việc của mình, anh đầu tư thời gian, tâm huyết nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn về thực hiện công tác chính sách và trực tiếp khai thác sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ, hoàn thiện danh sách liệt sĩ, rà soát từng đối tượng, thu thập thông tin về địa điểm, thời gian chôn cất, đặc điểm, vị trí mộ liệt sĩ từ các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, thân nhân gia đình liệt sĩ cung cấp để xác minh. 

Trên cơ sở đó, kết nối dữ liệu, tư liệu lịch sử chiến tranh của các địa phương để kết luận về mộ liệt sĩ, thông tin liệt sĩ, làm cơ sở cho công tác lưu trữ cũng như thông tin đến thân nhân gia đình liệt sĩ, kết luận địa bàn, tiến hành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mang tính khả thi cao. 

Những năm qua, anh đã rà soát được 3.686 thông tin về liệt sĩ; tích cực đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng, giả mạo, lừa đảo vì mục đích khác trong công tác quy tập mộ liệt sĩ, góp phần hoàn thành tốt đề án "Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh".

Từ năm 2018 đến nay, Đại úy QNCN Trần Thanh Tùng liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, trong đó, năm 2020 là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với anh, hạnh phúc lớn nhất là được tri ân, đền đáp công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để thế hệ hôm nay và mai sau sáng mãi niềm tự hào, viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam.