The Social Network (2010)
Bộ phim ra mắt năm 2010 khắc họa Facebook như một mạng xã hội được sáng lập dựa trên một loạt sự phản bội và phát triển nhờ vào niềm khao khát có được những mối quan hệ.
Trong bộ phim này, ông chủ Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và hiện là giám đốc điều hành Facebook, được mô tả như là một người cực kỳ thông minh nhưng bị ám ảnh bởi địa vị, giao tiếp kém, thậm chí phản bội cả niềm tin của chiến hữu để giành quyền sở hữu Facebook.
Dĩ nhiên là Công ty Facebook nói chung và nhà sáng lập Mark Zuckerberg không hề thích bộ phim này chút nào và gọi đó là một tác phẩm hư cấu. Hai quan chức điều hành công ty đã tìm cách thuyết phục những nhà làm phim thay đổi nhiều cảnh phim nhưng không thành. Vì thế, trước khi bộ phim được công chiếu, Facebook cho rằng, tốt nhất là nên phớt lờ bộ phim và hy vọng khán giả cũng làm như thế. Riêng Zuckerberg từng nói sẽ không xem bộ phim này, dù nó từng giành được 3 giải Oscar.
Chris Hughes - một nhà đồng sáng lập Facebook nhưng đã rời công ty năm 2007 - cho biết: "Thật điên rồ khi đột nhiên Mark trở thành một người tạo ra Facebook chỉ để tìm bạn gái hoặc quyền lực. Đó không phải là những gì đã diễn ra. Sự thật còn chán hơn thế".
The Crown (2016)
The Crown là series lịch sử được Netflix kỳ công xây dựng, phát sóng lần đầu năm 2016, có cốt truyện xoay quanh những biến động của Hoàng gia Anh. Đằng sau cánh cổng kiên cố của cung điện dưới thời đại Elizabeth II là hàng loạt các trách nhiệm ràng buộc và nguyên tắc chặt chẽ.
Cuộc sống với hôn nhân và hành xử luôn bị giám sát, khiến các thành viên không khỏi cảm thấy ngột ngạt như trong chiếc lồng son. Chính vì vậy, bộ phim mang đến khá nhiều tranh cãi, kể cả ngay chính nhân vật có thật trong Hoàng gia Anh.
Vốn dĩ trong lịch sử, cả Thái tử Charles và Công nương Diana đều phải chịu trách nhiệm về những rạn nứt gây nên sự đổ vỡ hôn nhân. Tuy nhiên, mùa thứ 4 của bộ phim lại biến Charles thành người duy nhất có lỗi. Trong khi đó, câu chuyện của Công nương Diana lại được khai thác theo cách dễ dàng nhận được cảm thông từ người xem.
Trên tờ The Times của Anh, bạn hữu Thái tử Charles chê trách nhiều chi tiết trong kịch bản The Crown không phản ánh đúng lịch sử.
Một trong những tình tiết được cho là bịa đặt gây hiểu lầm nhất, là người bác thân yêu của Charles, Bá tước Mountbatten đã nói với Thái tử rằng ông thất vọng về mối quan hệ của Charles với Camilla. Trong phim, Charles gọi Mountbatten là "kẻ phản bội". Không có bằng chứng cuộc trò chuyện này đã diễn ra và dễ dẫn đến việc tổn hại uy tín ngoài đời thực.
Nữ hoàng và Hoàng thân Philip cũng được cho là không hài lòng với The Crown, khi Philip được mô tả là kẻ ngoại tình và hoàn toàn phớt lờ lời nói của mẹ.
The Iron Lady (2011)
Bộ phim đan xen giữa hồi tưởng và thực tại, kể lại quá trình Margaret Thatcher từ một phụ nữ tầng lớp bình dân tìm được chỗ đứng trong Quốc hội và dần dần bước lên ghế Thủ tướng. The Iron Lady khắc họa những giây phút khó khăn trong cuộc đời của một nữ chính trị gia - chấp nhận đánh đổi hạnh phúc gia đình, sống xa rời con cái để phục vụ cho đất nước.
Dù được giới phê bình đánh giá cao nhưng ngay chính Margaret Thatcher ngoài đời cũng cho rằng, bộ phim có những chi tiết sai hoàn toàn về bà. Dù không trực tiếp phản hồi, nhưng thông qua bạn bè của Margaret, họ cho rằng: "Thatcher không hề hay nổi cơn tam bành và là người đàn bà quá giàu cảm xúc như được bộ phim dựng nên".
Thậm chí, ngay cả những đối thủ từng cạnh tranh với Margaret Thatcher cũng lên tiếng: "Tôi nghĩ rằng bà Thatcher là người có vai trò đáng kể khi đứng đầu chính phủ, sẽ nhận thấy bị xúc phạm khi về cuối đời lại có bộ phim đề cập những vấn đề tuổi già của mình" - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michael Heseltine và là đối thủ tranh giành vị trí thủ lĩnh đảng Bảo thủ với bà Thatcher phát biểu. Chính Heseltine là người đóng vai trò quan trọng trong việc hạ bệ bà Thatcher từ đỉnh cao "kim tự tháp" vào năm 1990.
Cũng có một bài báo trên tờ Independent trích lời thủ tướng David Cameron khen diễn xuất của Meryl Streep là tuyệt vời, nhưng còn bộ phim thì đã được làm sớm quá, và là phim về tuổi già và chứng bệnh lẫn trí nhớ, hơn là phim về một nữ thủ tướng tài ba. Có vẻ như đó cũng là quan điểm của giới bảo thủ ở Anh.
Green Book (2018)
Green Book được đạo diễn bởi Peter Farrelly, dựa trên một câu chuyện có thật về nghệ sĩ dương cầm da màu Tony Lip và vệ sĩ Don Shirley – hai nhân vật chính cùng tên trong phim. Bộ phim kể về hành trình đến miền Nam của họ với những chi tiết lịch sử thú vị. Cuốn sách lấy tiêu đề cẩm nang hướng dẫn được sử dụng bởi những người lái xe da màu để giúp họ tránh khỏi những nguy hiểm và sự phẫn nộ khi đi qua những vùng đất lạ, đặc biệt là chặng Mason-Dixon.
Dù Shirley được tôn vinh như một nghệ sĩ nhưng anh có thể bị từ chối phục vụ tại các khách sạn và nhà hàng cũng như bị đối xử phân biệt ở những nơi được luật pháp chính thức đồng ý chỉ dành cho người da trắng. Đây chính là lý do Tony được thuê đi cùng Shirley trong hành trình ngàn dặm.
Phản hồi về bộ phim, chị dâu của Shirley - Patricia, tuyên bố toàn bộ tình bạn được miêu tả trong tác phẩm là quá mức và thực tế đây chỉ là mối quan hệ giữa nhân viên và chủ. Một người họ hàng khác, em trai của Shirley - Maurice cũng không hài lòng với quan điểm rằng Tony đã "dạy" Shirley cách trở thành người da đen. Đồng quan điểm với Patricia, Maurice cho biết: "Anh trai tôi không bao giờ coi Tony là 'bạn' của mình; anh ta là một nhân viên, tài xế riêng của anh ấy. Đây là lý do tại sao ngữ cảnh và sắc thái lại quan trọng như vậy".
Trong khi đó, biên kịch Green Book - Nick Vallelonga từng khẳng định mình rất hiểu những gì bản thân cùng ê-kip tạo nên. Ông cũng là con trai của Frank "Tony Lip" Vallelonga – người đồng hành cùng Don Shirley trong chuyến lưu diễn hồi đó. Ông chia sẻ: "Cha tôi hoàn toàn thay đổi sau chuyến đi với Don Shirley, ông ấy đã rất tức giận với những gì mà hai người trải qua và kể hết mọi thứ cho tôi. Điều đó ảnh hưởng tới cả cách nuôi dạy của cha với chúng tôi sau này. Còn với Don, tôi thường xuyên tới nhà ông khi còn là đứa trẻ".