Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ phim Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ngoài doanh thu "khủng" lên tới gần 90 tỷ đồng, liên tục đứng đầu phòng vé nhiều tuần thì bộ phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn vướng vào luồng tranh cãi gay gắt về cách xây dựng nhân vật.
Danh ca Khánh Ly cho rằng, bộ phim đã phản ánh không chân thực mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời, với những cảnh trong phim như đút sữa chua cho ông ăn; đi tìm nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn... Khánh Ly khẳng định, giữa bà và Trịnh Công Sơn không có tình yêu nhưng qua bộ phim này, khán giả hay ngay chính các con bà hoàn toàn có thể hiểu lầm bà và ông có tình ý.
Trong khi đó, danh ca Thanh Thúy khẳng định, mình chưa bao giờ mặc áo sườn xám, búi tóc, hay được Trịnh Công Sơn đưa về trong căn ngõ mờ ảo. "Tôi không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý", nữ danh cho hay.
Để đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSND Nhuệ Giang về những quan điểm của riêng chị trong cách thực hiện một bộ phim về nhân vật có thật.
Là người trong nghề, chắc hẳn đạo diễn, NSND Nhuệ Giang cũng có sự quan tâm tới vụ việc gây ồn ào vừa qua của phim Em và Trịnh. Chị có thể chia sẻ quan điểm của riêng mình không?
- Từ những thông tin vừa qua trên truyền thông, cá nhân tôi nghĩ rằng, hai danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy đều có quyền lên tiếng về việc không cảm thấy hài lòng trước hình tượng của họ được đưa lên phim.
Mỗi người đều đã khẳng định giữa họ và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề có một chút tình cảm yêu đương, mà chỉ là tình bạn trong nghệ thuật. Nhưng khi lên phim, mối quan hệ này được lãng mạn hóa, hay ngôn tình hóa, rất dễ khiến nhiều khán giả hiểu lầm, nhất là những ai chưa từng biết hoặc biết rất ít về hai giọng ca Khánh Ly hay Thanh Thúy.
Như Khánh Ly, bà từng chia sẻ với báo chí rằng, giữa mình và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hoàn toàn là anh em, bạn bè. Tuy nhiên, khi lên phim, chúng ta thấy nhân vật Khánh Ly tỏ ra "ghen tuông" khi biết Trịnh Công Sơn ở bên cạnh mình mà vẫn nhớ tới Dao Ánh, hay ôm ông để an ủi khi buồn. Như vậy, người xem sẽ hiểu Khánh Ly có tình ý với Trịnh Công Sơn. Và quan trọng là lúc đó bà đã có gia đình. Các con bà sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động như vậy với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Được biết, đây là một bộ phim "hư cấu về nhân vật có thật", theo chị vì lý do này ê-kíp có thể xây dựng được những tình tiết như vậy hay không?
- Tôi không hề đồng ý với quan điểm này. Dù rằng, tôi cũng hiểu để tác phẩm điện ảnh thêm hấp dẫn, bán được vé, việc có những tình tiết hư cấu là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, với danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy, đây đều là những nhân vật vẫn còn sống. Có những khán giả biết rằng, đây là phim hư cấu nhưng cũng không tránh khỏi có những người xem hiểu lầm hình tượng của họ là như vậy trên màn ảnh. Cho nên, tôi nghĩ đoàn phim đã thiếu cẩn trọng trong vấn đề này, mặc dù họ có xin phép hay thông qua gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhưng tôi được biết rằng, họ cũng đã liên lạc với nghệ sĩ Khánh Ly và nghệ sĩ Thanh Thúy để hỏi ý kiến về những phân đoạn trong phim, nhưng đều không được đồng ý.
Vậy theo chị, làm sao để thực hiện một bộ phim về nhân vật có thật như Em và Trịnh theo cách làm ít gây nên tranh cãi?
- Ê-kíp bộ phim hoàn toàn có thể đổi tên nhân vật để hạn chế đi những tranh cãi. Bên cạnh đó, nói riêng về hướng đi của bộ phim, tôi nghĩ không nhất thiết phải lãng mạn hóa mối quan hệ của hai nhân vật Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Rõ ràng, chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều cách khác nhau.
Ai yêu nhạc Trịnh Công Sông, đều biết giữa ông và danh ca Khánh Ly đã hình thành mối quan hệ tri kỷ trong nghệ thuật, một tình bạn "huyền thoại" trong làng nhạc sinh ra những tác phẩm đề đời. Danh ca Khánh Ly từng khẳng định, dù nhiều khi ngồi cạnh nhau không nói gì nhưng cả hai vẫn hiểu nhau, bà hiểu ông Trịnh Công Sơn đang nghĩ gì, muốn gì. Ngược lại, ông cũng hiểu bà nghĩ gì, muốn gì. Thế nên, bằng nghệ thuật điện ảnh, nhà làm phim vẫn có thể truyền tải điều đó. Thậm chí, có những tình tiết hư cấu để hấp dẫn nhưng vẫn khiến cho khán giả hiểu rằng, giữa họ không hề có tình yêu, mà chỉ là tri kỷ trong âm nhạc.
Xét về góc độ nghề nghiệp, chị nghĩ "cái khó" mà ê-kíp phim Em và Trịnh gặp phải là gì, liệu nó có giống với những bộ phim trên thế giới?
- Thật ra để truyền tải hình tượng một nhân vật có thật lên màn ảnh mà còn là nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa đại chúng là điều không hề dễ dàng, cũng không thể đòi hỏi là phải đúng sự thật 100%.
Giả dụ như gần đây có bộ phim Spencer – tác phẩm phim tiểu sử chính kịch, lấy mốc thời gian những năm cuối đời của Công nương Diana. Bộ phim nhận về tiếng vang lớn, nữ diễn viên chính còn được đề cử Oscar. Kể cả vậy, bộ phim này vẫn vướng phải những tranh cãi khi dường như có những chi tiết được đạo diễn sáng tạo ra thêm. Thế nên, ranh giới "thật" và "giả" giữa các bộ phim nói về nhân vật có thật là điều không ai biết rõ và chỉ có người trong cuộc mới biết.
Việc có "thật" hay không tôi nghĩ là phụ thuộc vào góc nhìn của khán giả nhưng người làm phim cũng nên biết lựa chọn cách kể chuyện hợp lý, mang tính nghệ thuật, để làm sao hình tượng nhân vật không bị sai lệch trong con mắt của mọi người.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!