Dòng họ Hạng nhà ông Vàng không chỉ ở Tủa Chùa mà còn sống rải rác ở Tuần Giáo, Mường Ảng với 70 hộ, tất cả đều là người Mông. Mỗi năm ông sẽ tổ chức họp cả dòng họ một lần (gọi là lễ Tú Su hay Tu Su, Tủ Su) vào các ngày 7, 17 hoặc 27 tháng 7 âm lịch.
Dịp ấy cũng chính là ngày hội lớn của cả dòng họ. Mọi người tụ tập ăn uống, thông báo với nhau những công việc đã làm được trong một năm qua. Nhà nào khó khăn; nhà nào thiếu thốn; nhà nào có người ốm phải đi viện… đều được "kể" ra ở cuộc họp và các hộ khác sẽ chung tay nhau giúp đỡ.
Clip: Ông Hạng Chờ Vàng nói về mô hình "Dòng họ bình yên" của dòng họ Hạng do ông làm trưởng họ tại thôn Tỉnh B (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Video: TL.
Hoặc nếu không phải là dịp họp dòng họ, thì chỉ cần alo với ông Hạng Chờ Vàng, mọi vướng mắc cũng đều được giải quyết nhanh, gọn.
Ông Hạng Chờ Vàng là người đứng đầu dòng họ, nhưng không phải là người có thể quyết định mọi chuyện. Còn có ông Phó trưởng dòng họ, 3 tổ trưởng, 3 tổ phó của 3 nhánh nhỏ, mà ông Vàng hay gọi là "trưởng nhóm", họ chính là những người tham mưu và giúp ông Vàng "xác minh" rõ ràng sự việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nghe thì có vẻ to tát, nhưng việc của dòng họ đều bắt nguồn từ những câu chuyện bình thường trong cuộc sống mà bất cứ gia đình nào cũng gặp phải hàng ngày.
Đó là không thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi; đi xe máy không chấp hành Luật giao thông; rồi ốm đau, bệnh tật, thiếu người gặt vụ mùa… đủ cả. Thế mà tất cả những điều nhỏ nhặt ấy, nếu không biết cách bảo ban và trợ giúp nhau thì cả dòng họ giống như "bát cơm khô, hạt nào rời rạc hạt đó, làm sao mà ngon được" – ông Hạng Chờ Vàng ví von.
Sự "điều hành" mạch lạc này ông Vàng học được từ khi tham gia mô hình Dòng họ bình yên. Năm 2012, đại diện chính quyền, công an địa phương đến nhà ông vận động, đặt vấn đề; thế là ngay trong lần họp dòng họ sau đó, ông đưa ra ý kiến, cả họ họp lại và bầu ông làm Trưởng dòng họ luôn. Cứ 5 năm bầu lại một lần, tính đến nay đã qua 2 kỳ "đại hội", ông vẫn được tín nhiệm bầu là người đại diện cho cả họ, đứng ra giải quyết các vấn đề đối nội đối ngoại của họ Hạng.
Với vai trò đứng đầu dòng họ như ông Hạng Chờ Vàng, thì ngoài những việc nội bộ, ông còn thường xuyên họp với lãnh đạo xã, công an xã hay chính quyền địa phương để nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Kịp thời truyền lại cho các thành viên trong họ mình tuân theo.
Trước đây khi tổ chức đám ma người Mông thường để thi thể người đã khuất trên các tấm gỗ, cúng 3 ngày rồi mới cho vào quan tài, rất mất vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Nhưng nay, ông Vàng cũng vận động anh em trong họ học theo cái mới, cái văn minh, đặt người đã khuất vào quan tài để cúng chứ không theo tập tục cũ nữa.
Rồi trong cả đám cưới, người Mông cũng dùng ít rượu hơn. Tuân thủ nghiêm việc đã uống rượu thì không lái xe. Ông Vàng cho hay: "Bây giờ cuộc sống hiện đại, không thể cứ giữ mãi cái cũ, phong tục của người Mông chúng tôi vẫn giữ, nhưng cải tiến thay đổi cho phù hợp hơn".
Dù sao việc tuyên truyền nếp sống văn minh, hiện đại vẫn đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều, ông Vàng kể việc kêu gọi bà con trong họ không đi theo tà đạo mới là việc khó khăn, phải kiên trì, bền bỉ mới thành công được. Thậm chí theo kinh nghiệm của ông Vàng thì nếu ai không nghe sẽ kiên quyết xóa tên khỏi họ.
"Trước đây một bộ phận người Mông đi theo đạo Tin lành, bản chất của đạo thì tốt đẹp nhưng bị kẻ xấu xúi giục, nhiều người về đốt bỏ bàn thờ tổ tiên, bỏ cả việc cúng bái, tưởng nhớ người đã khuất. Tôi đã mất rất nhiều thời gian đến từng nhà vận động và thuyết phục bà con quay trở lại" – ông Vàng kể - "Truyền thống của người Việt mình là tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, ông bà thông qua việc thờ cúng, giờ lại bỏ đi không phải là làm trái với phong tục tốt đẹp hay sao".
Ông Vàng Văn Thành, Phó trưởng công an huyện Tủa Chùa cho hay: Tiền thân của mô hình này là từ cuộc "cách mạng" xóa bỏ cây thuốc phiện ở Tủa Chùa những năm 1990. Dù lực lượng công an, an ninh xã, rồi chính quyền các cấp đã vào cuộc nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Sau khi họp bàn thì mọi người đưa ra sáng kiến là sẽ vận động bà con thông qua các trưởng dòng họ, những người có uy tín, đứng đầu mỗi dòng họ ở địa phương. Thật bất ngờ là chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết các hộ đều tự nguyện phá bỏ cây thuốc phiện, cũng từ đó tên gọi "Dòng họ bình yên" ra đời, gắn liền với công tác tự quản, tự bảo vệ ở mỗi một dòng họ.
Cũng theo ông Vàng Văn Thành, hiện Tủa Chùa có hơn 130 dòng họ, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Dao, Hoa.
Chữ "bình yên" hàm chứa nhiều ý nghĩa, vừa là bình yên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Chữ bình yên cũng có ý nghĩa trong việc lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Anh Mù A Nủ, công an xã Xá Nhè – người trực tiếp phụ trách địa bàn thôn Tỉnh B chia sẻ: "Mỗi dòng họ đều có quy ước riêng trong hoạt động, nhưng đều không tách rời với hương ước chung, được ký kết với các tổ chức ở địa phương. Họ hoạt động rất quy củ và hiệu quả. Thông qua những trưởng dòng họ, người có uy tín này, chúng tôi dễ dàng nắm bắt tình hình cơ sở, đồng thời cũng dễ tiếp cận với đồng bào hơn khi muốn tuyên truyền hay vận động bà con việc gì đó".
Để có tiền lo ma chay, hiếu hỉ cho các hộ còn khó khăn trong họ, mỗi gia đình trong họ Hạng đóng quỹ 100.000 đồng/năm, đây cũng chính là quỹ hiếu học, động viên những con em trong họ có thành tích tốt trong học tập. Bên cạnh việc đóng quỹ thì các hộ trong họ còn góp sức, góp công mỗi khi các gia đình nào có công có việc, nhất là vào ngày mùa, thanh niên trai tráng trong họ đều đến từng nhà giúp gặt lúa, phơi thóc hay vận chuyển thóc từ ruộng về nhà.