Kỹ thuật thêu thổ cẩm điêu luyện của phụ nữ Mông Hoa, thêu mặt trái mẫu hiện lên đẹp lung linh ở mặt phải

Mùa Xuân Thứ ba, ngày 28/06/2022 13:28 PM (GMT+7)
Đồng bào dân tộc Mông Sơn La chia thành nhiều nhóm khác nhau, như: Mông Đen, Mông Trắng, Mông Hoa..., mỗi nhóm đều có những nét văn hoá truyền thống về trang phục độc đáo riêng. Trong đó, có đồng bào Mông Hoa ở bản Tà Xùa (Tà Xùa, huyện Bắc Yên) vẫn còn lưu giữ nghề thêu thổ cẩm trên trang phục bằng vải lanh.
Bình luận 0

Clip: Thêu thổ cẩm trang phục dân tộc Mông Hoa vùng cao Bắc Yên (Sơn La).

Một tháng mới thêu xong một bộ váy truyền thống

Bản Tà Xùa có 172 hộ, 100% là đồng bào Mông Hoa sinh sống và canh tác chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc trồng lanh, dệt vải, may áo váy, thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nhuộm hoa văn... đã trở thành một nét đẹp văn hóa lâu đời của người phụ nữ Mông Hoa vùng cao nơi đây.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 2.

Cây lanh được người Mông bản Tà Xùa, xã Tà Xùa trồng từ tháng 3, đến tháng 7 bắt đầu thu hoạch, buộc từng bó to cho dễ phơi có thể phơi tại chỗ, khi phơi phải chọn thời tiết nắng nóng để phơi mới không bị mốc ẩn. Ảnh: Mùa Lan.

Theo những người phụ nữ Mông Hoa ở vùng cao Tà Xùa để tạo nên một bộ trang phục truyền thống nói chung và một bộ áo, váy của người phụ nữ Mông Hoa nói riêng, rất kỳ công, nhất là chiếc váy.

Phải trải qua rất nhiều công đoạn, đầu tiên phải trồng lanh từ tháng 3, đến tháng 7 bắt đầu thu hoạch lanh mang về nhà phơi khô. Sau đó sẽ tước vỏ lanh se thành từng sợi chỉ, rồi đem luộc các sợi lanh trong vòng 3 ngày để cho các sợi lanh trở thành màu trắng bóng, khi đó mang đi giặt thật sạch rồi mang ra phơi thật khô không bị ẩm mốc. 

Khi được tách và xử lý, các sợi lanh sẽ được dệt thành tấm vải. Để tạo ra các màu sắc nhau và họa tiết phong phú trên vải phải trải qua quá trình nhuộm màu vải lanh bằng các cây nhuộm.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 3.

Sau khi thu hoạch lanh mang về nhà sẽ được những người phụ nữ Mông tước hết lớp vỏ, luộc các sợi lanh trong vòng 3 ngày để cho các sợi lanh trở thành màu trắng bóng. Ảnh: Mùa Lan.

Tất cả đều được cách điệu và thể hiện một cách tinh tế qua những bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Mông. Kỹ thuật thêu của người Mông Hoa ở đây có 2 cách cơ bản là thêu lát và thêu chữ thập. 

Đặc biệt, người phụ nữ Mông thêu hoa văn không cần nhìn mẫu mà vẫn tạo được những mô típ đẹp, họ giàu trí tưởng tượng, hoàn toàn dựa vào trí nhớ, sự sáng tạo để thêu những hoa văn mình thích.

Kỹ thuật thêu hoa văn cũng rất phức tạp vì thêu ở mặt trái của vải nhưng hình mẫu lại nổi lên ở mặt phải, bởi vậy, đòi hỏi người phụ nữ phải khéo tay, có trí tưởng tượng phong phú, kiên trì và cần mẫn. 

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 4.

Sau khi luộc xong tiếp tục mang đi giặt sạch rồi đem ra phơi thật khô không bị ẩm mốc để các sợi lanh trở nên mềm mại, bền. Ảnh: Mùa Lan

Những bộ áo, váy của người phụ nữ Mông Hoa không chỉ mang giá trị về kinh tế mà nó còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc riêng của đồng bào Mông.

Từ khi sinh ra và lớn lên những người phụ nữ Mông đã được các chị, các bà mẹ truyền dạy lại những kỹ năng vẽ sáp ong, thêu, may để tạo nên những chiếc áo, váy mang màu sắc sặc sỡ, lung linh trong những ngày lễ, tết hoặc các ngày hội...

Chị Mùa Thị Lan, bản Tà Xùa, năm nay 27 tuổi tâm sự: Tôi bắt đầu học thêu khi mới 8 tuổi, bố mẹ bảo với chúng tôi rằng, đây là một nét đẹp của dân tộc mình cần được lưu giữ và truyền cho các thế hệ. 

Phải học thêu, may từ khi còn nhỏ, lớn lên đôi bàn tay mới dẻo và khéo léo, nhanh nhẹn. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ Mông khi về làm dâu nhà chồng.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 5.

Những sợi lanh được đem ra phơi khô ngoài trời trước khi dệt thành vải. Ảnh: Mùa Lan.

Còn chị Giàng Thị Và, bản Tà Xùa, chia sẻ: Để hoàn thành phần vẽ sắc ong này tôi phải mất 3 ngày mới xong đấy. Sau đó còn mang đi nhuộm chàm, luộc cho sắc ong tan hết, giặt phơi khô mới trang trí các đường chỉ màu.

Gìn giữ nghề thêu trang phục Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 6.

Khung cửi dệt vải lanh của người Mông Hoa rất đơn giản, chỉ có hai thanh tre có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, người phụ nữ ngồi trên ghế bậc cao để kéo sợi dệt. Ảnh: Mùa Lan.

Từ khi bắt đầu vẽ cho đến lúc hoàn thiện một chiếc váy khá lâu. Đặc biệt là thân váy; phần chân váy là phần thêu hoa văn nhiều nhất, mất 3 - 4 ngày nữa mới hoàn chỉnh. 

"Nhưng đấy cũng chỉ gọi là cơ bản thôi, phải mất thêm 2-3 ngày làm công đoạn 2 mới, nhuộm cũng mất khoảng 10 ngày nữa để hoàn thiện cái váy. Ngoài ra, phải có nhiều thời gian và phải rất tập trung và quen tay mới nhanh được" - chị Và cho hay.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 6.

Vẽ sáp ong mới mang đi nhuộm chàm, luộc và phơi khô. Ảnh: G.C.

Như vậy, để hoàn thiện một bộ trang phục Mông truyền thống của người Mông Hoa phải mất khoảng một tháng, có khi gần 2 tháng mới xong.

Mỗi dịp lễ tết hay đi chơi chị em người dân tộc Mông ở đây thường chọn cho mình một bộ áo, váy để diện và cũng là dịp để khoe sự khéo léo và tài năng sáng tạo thêu hoa văn của bản thân với chị em, bạn bè, người yêu qua bộ trang phục đang mặc trên người.

Trong cưới xin, người Mông có quy định trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải là những bộ trang phục làm từ vải lanh. Trong lễ tang, người Mông trang phục từ quần áo cho đến giày, dép của người quá cố phải làm từ vải lanh.

Gìn giữ nghề thêu trang phục dân tộc Mông Hoa gắn với phát triển du lịch

Những năm gần đây, bà con vùng cao Tà Xùa đã biết chuyển đổi phương thức canh tác, như: Khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa nước, phát triển cây chè và đặc biệt là bà con đã tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương phát triển những mô hình văn hoá, thành lập Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục Mông.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 7.

Những người phụ nữ Mông vùng cao Bắc Yên tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để thêu trang phục dân tộc. Ảnh: G.C.

Từ đó, bằng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mông Hoa đã sản xuất ra nhưng bộ áo, váy mang đậm những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình phục vụ khách du lịch, góp phần giữ gìn được nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mông Hoa vùng cao Bắc Yên.

Nhằm lưu giữ những nét đẹp về trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa ở xã Tà Xùa và định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hoá dân tộc, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên hỗ trợ chị em phụ nữ xã Tà Xùa thành lập Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục Mông, với 15 hội viên phụ nữ Mông bản Tà Xùa.

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 8.

Những người phụ nữ Mông Hoa xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên thêu trang phục dân tộc. Ảnh: G.C.

Đây đều là những chị em có tay nghề thêu may trang phục truyền thống tham gia, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Chị Sồng Thị Dụ, Tổ trưởng Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục Mông cho hay: Trước đây chưa có Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục Mông này, chị em chúng tôi vẫn thêu để dùng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và khi du lịch Tà Xùa phát triển tôi cũng bắt đầu thêu bán phục vụ khách du lịch.

Khi tham gia câu lạc bộ, chúng tôi được tập huấn các kiến thức về quảng bá sản phẩm đã giúp chúng tôi có thêm động lực thêu, may nhiều sản phẩm và bán được nhiều hơn. 

Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 9.

Thêu hoa văn bằng nhiều màu sắc khác nhau lên vải lanh. Ảnh: G.C.

"Hiện nay, các chị, em trong Tổ liên kết đang rất cần có một gian hàng để trưng bày những sản phẩm do chính đôi bàn tay của các thành viên làm ra, để cùng phát triển, quảng bá, giao dịch các sản phẩm thêu, may thổ cẩm văn hoá Mông". Chị Dụ nói.

Gìn giữ nghề thêu trang phục Mông Hoa ở vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - Ảnh 11.

Những chiếc áo, váy mang màu sắc sặc sỡ đã hoàn thiện bằng đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Ảnh: G.C.

Bà Mùa Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Xùa, cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mong muốn các cấp tạo điều kiện cho chị em có thêm gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm thêu, may trang phục dân tộc để du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm biết đến ngày càng nhiều về nghề "Thêu, may trang phục Mông Hoa". Những bộ trang phục Mông Hoa cổ từ xa xưa cho đến trang phục Mông Hoa hiện đại như ngày nay....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem