Tại tỉnh Hà Nam, vụ Xuân 2022 lúa ma tiếp tục bùng phát, gây hại tại 36 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Diện tích lúa ma gây hại trên 217 ha, trong đó, 12,7 ha không xử lý được bị gây hại nặng (trên 10 ha giảm 30-70% năng suất, đạt 120-150kg/sào; 2,5 ha giảm 70% năng suất, đạt 50-70kg/sào).
Trên những cánh đồng của xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), lúa ma xuất hiện dày đặc. Theo chia sẻ của người dân, lúa ma xuất hiện từ năm 2019 và đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất của nông dân. Sau mỗi vụ thu hoạch, diện tích múa ma tiếp tục gia tăng.
Do không tìm được biện pháp nào để diệt trừ hoàn toàn lúa ma, quá chán nản, nhiều nông dân ở xã Thanh Hương không buồn thu hoạch lúa, có hộ đã phải bỏ ruộng mặc cho cỏ mọc ngang thân người.
Bà Lê Thị Sơn, xã Thanh Hương cho hay, gia đình bà có 5,5 sào cấy giống lúa Bắc Thơm nhưng toàn bộ diện tích đã bị lúa ma lấn át dẫn tới mất mùa trong vụ thu hoạch này.
Ban đầu lúa ma chỉ rải rác nên bà Sơn nghĩ giống lúa khác lẫn vào, nhưng qua mỗi vụ, mật độ càng dày. Trước đây một sào lúa, bà Sơn thu 1,7-1,8 tạ, vụ tốt được 2 tạ. Từ khi lúa ma bùng phát, mỗi sào chỉ được 70-80 kg. Số thóc này chỉ dùng làm thức ăn cho gà, vịt chứ không ăn được do chất lượng kém.
"Lúa ma xuất hiện trên các diện tích ruộng của gia đình tôi đã 3 năm nay. Tôi đã làm đủ mọi cách nhưng không thể nào diệt trừ được lúa ma. Nếu tình trạng này kéo dài thì vụ đông xuân tới đây gia đình tôi phải bỏ ruộng", bà Sơn nói với Dân Việt.
Theo bà Sơn và một số hộ, lúa ma xuất hiện ở xã Thanh Hương từ khi các hộ mua thóc giống tại một số cơ sở vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nói với Dân Việt, ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Liêm phủ nhận.
"Huyện đã lập đoàn thanh tra, thường xuyên kiểm tra cửa hàng giống và hợp tác xã. Công ty giống sàng lọc rất kỹ bằng máy đắt tiền, không có chuyện lúa ma ở trong bao giống bán cho nông dân", ông Thắng nói, cho hay không loại trừ khả năng lúa này theo máy gặt từ miền Trung và Nam ra Bắc.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng thôn Lời, xã Thanh Hương chia sẻ: "Hiện có ba loại lúa ma xuất hiện trên cánh đồng của xã gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu. Loại cây cao còn dễ nhận biết, loại cây lùn rất khó vì lẫn với lúa thường", ông nói và cho hay loại này rất dễ rụng, chỉ cần cơn gió thoảng qua hoặc khi chín dùng tay gạt nhẹ là hạt rụng gần hết.
Tại tỉnh Nam Định, vụ xuân 2022, lúa ma gây hại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích bị lúa ma gây hại trên 303 ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định, lúa ma gây thất thu năng suất từ 10-20%, thậm chí mất trắng, đồng thời tỷ lệ lây nhiễm càng trầm trọng cho những vụ sau.
Còn tại tỉnh Ninh Bình, diện tích bị lúa ma xâm hại trên 1.200 ha ở vụ đông xuân 2022 (gấp 1,7 lần so với vụ mùa 2021).
Tại tỉnh Thái Bình, lúa ma xuất hiện rải rác từ vụ mùa năm 2020 tại một số địa phương, chủ yếu trên diện tích lúa gieo sạ, gieo vãi bằng tay. Vụ xuân 2021, diện tích nhiễm lúa ma toàn tỉnh khoảng 31 ha, trong đó có 3 ha tỷ lệ nhiễm nặng > 20%. Vụ mùa 2021, có khoảng 70 ha lúa bị nhiễm lúa ma, trong đó, có 10 ha bị nhiễm nặng. Đến vụ xuân 2022, diện tích nhiễm lúa ma khoảng 45 ha, trong đó có 3,2 ha nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, diện tích nhiễm lúa ma gia tăng qua các vụ ở các địa phương phía Bắc đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
Trước tình trạng lúa ma gây hại trên các diện tích lúa, ngày 30/6 vừa qua, Cục BVTV đã tổ chức Hội thảo “Kỹ thuật phòng chống lúa cỏ các tỉnh phía Bắc”.
Theo lãnh đạo Cục BVTV và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh thì biện pháp phòng chống, tiêu diệt lúa ma phải đảm bảo các bước như: Quản lý chặt chẽ khâu giống, vệ sinh đồng ruộng, thay đổi phương thức canh tác, sử dụng thuốc BVTV phòng trừ lúa cỏ...
Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho rằng, để quản lý được lúa ma, trước mắt cần quản lý chặt chẽ, ngăn chặn lúa cỏ ngay từ khâu giống. Nên điều chỉnh lại các chỉ tiêu chất lượng hạt cỏ dại nguy hại, số hạt/kg trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống lúa về mức 0 hạt, thay vì mức hạt giống nguyên chủng (5 hạt), hạt giống xác nhận 1 (10 hạt), hạt giống xác nhận 2 (15 hạt) như hiện nay. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI để hạn chế sự phát triển của lúa cỏ.
"Người dân sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, xác nhận), hạn chế việc tự để giống qua các vụ, tuyệt đối không sử dụng lúa tự để giống ở những vùng đã bị lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau", ông Đạo đưa ra khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, để chủ động quản lý lúa cỏ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, các địa phương cần áp dụng tổng hợp các biện pháp. Trong đó, biện pháp mang tính chất căn cơ, hiệu quả và cần được thúc đẩy nhân rộng không chỉ các tỉnh phía Bắc mà cả các tỉnh phía Nam là chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy.
Ông Dương lý giải, trong khâu canh tác lúa hiện nay, duy nhất còn khâu cấy việc áp dụng cơ giới hóa chưa triển khai được nhiều. Trong khi biện pháp này vừa giúp người sản xuất gia tăng hiệu quả, hiệu suất lao động, vừa giúp giảm giống, nước, phân bón, thuốc BVTV...
"Khi chuyển đổi sang canh tác bằng hình thức gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy thì cây lúa khỏe mạnh, năng suất, sản lượng cao, mật độ cấy thưa sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, tại nhiều địa phương đã triển khai hình thức này kết quả thu được cho thấy những diện tích áp dụng cơ giới hóa, cấy theo hàng tỷ lệ nhiễm lúa cỏ rất thấp", ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nói.