Tân Hoàng Minh vừa bất ngờ có thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh tại các chi nhánh. Tập đoàn này cho biết, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu là "một rủi ro rất lớn ngoài dự liệu và tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động kinh doanh".
Do đó, để có thể thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn này, Tân Hoàng Minh buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế thấp nhất các chi phí và tổn thất về tài chính, đồng thời ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực cho việc thu xếp tài chính để sớm trả tiền cho nhà đầu tư.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng kinh doanh các chi nhánh tại TPHCM và chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước từ ngày 1/7.
Phóng viên Dân Việt liên hệ với đại diện truyền thông Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vị đại diện này cho biết, Tân Hoàng Minh sẽ đóng cửa tạm thời các văn phòng chi nhánh ở tỉnh còn ở Hà Nội vẫn hoạt động bình thường.
"Hiện tại bên phía Tập đoàn sẽ tiến hành thông báo cho khách hàng để khách hàng nắm được, cụ thể là khi nào bên Tập đoàn đóng cửa các chi nhánh khách hàng cần thì sẽ liên hệ ở đâu", đại diện truyền thông Tân Hoàng Minh cho hay.
Mục tiêu cao nhất của Tân Hoàng Minh hiện tại là tập trung mọi nguồn lực để có thể thu xếp nguồn tiền chi trả cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó lộ trình triển khai như thế nào, bên phía Tập đoàn sẽ thường xuyên thông báo đến các khách hàng.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, thực tế bên Tân Hoàng Minh không phải là đơn vị được chi trả tiền cho nhà đầu tư, mặc dù có thể tiền trong tài khoản nhưng việc chi trả sẽ do bên C03 thực hiện.
"Phía Tân Hoàng Minh chỉ có thể cập nhật thông tin và cung cấp thông tin tới nhà đầu tư, chứ bên Tập đoàn không thể trả lời cho nhà đầu tư được khi nào sẽ trả và trả bao nhiêu", đại diện truyền thông cho biết thêm.
Ngoài ra, thông tin đến PV, đại diện truyền thông này cho hay, việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh không ảnh hưởng đến các dự án của Tân Hoàng Minh. Các dự án của Tân Hoàng Minh đang sở hữu đủ điều kiện chuyển nhượng về pháp lý hiện đang được đàm phán với các đối tác và đã có một số đối tác tham gia vào. Tuy nhiên, vì vốn đầu tư các dự án là rất lớn nên cần thời gian không thể chuyển nhượng trong ngày một ngày hai được.
Được biết, thời điểm đầu tháng 6, nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh cũng đặt câu hỏi liệu tập đoàn này sẽ đóng cửa tất cả chi nhánh ở tỉnh vào ngày 30/6. Trả lời, ông Vũ Đình Luyện - Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh úp mở rằng "việc thu hẹp quy mô hoạt động lại để giảm bớt chi phí và có nguồn để chi trả cũng là việc cần xem xét". Dẫu vậy, lãnh đạo Tân Hoàng Minh khẳng định vẫn có trụ sở chính, nhân sự... để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư.
Hôm 22/6, ông Luyện thông tin Tân Hoàng Minh đã gom được 2.100 tỷ đồng. Tập đoàn này nói muốn chi trả ngay, song chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này từ cơ quan điều tra.
Lãnh đạo Tân Hoàng Minh đánh giá trên cơ sở số tiền đã thu được, tập đoàn này sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu trong tháng 7 là thu xếp được khoảng 50-60%.
Nhà đầu tư đặt câu hỏi nguồn thu dự kiến còn lại từ đâu và từ dự án nào, Tân Hoàng Minh trả lời vẫn đang tích cực trong việc chuyển nhượng dự án. Danh sách dự án đủ điều kiện về pháp lý mà Tân Hoàng Minh dự định chuyển nhượng gồm 2 dự án tại Phú Quốc, hai dự án tại Hà Nội là Việt Tiến và Ngọc Hồi, cùng dự án Nguyễn Thị Minh Khai tại TPHCM.
Trước đó, về số nợ, Tân Hoàng Minh hôm 24/5 khẳng định số tiền ghi nhận theo danh sách nhà đầu tư trái phiếu của tập đoàn này không lớn hơn 8.500 tỷ đồng, chứ không phải 10.030 tỷ đồng như phản ánh.
Tập đoàn này cũng thông tin đã gửi C03 đề xuất phương án theo hướng khi số tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của C03 mở tại Kho bạc Nhà nước đạt từ 10% trở lên trên tổng dư nợ của 9 đợt trái phiếu phát hành, tập đoàn này sẽ phối hợp cùng C03 bắt đầu trả cho các nhà đầu tư với tỷ lệ đồng đều tương ứng.