Bởi thịt heo đen thơm ngon nên nhu cầu của thị trường tăng cao, tiêu thụ mạnh. Cùng với đó, heo đen có ưu điểm có khả năng thích nghi cao, chống chịu các bệnh, dễ chăm sóc, thức ăn có thể tận dụng tối đa từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp nên nhu cầu cung cấp heo con giống rất cao.
Đàn heo đen để nái của gia đình chị Thắm, thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Hiện đàn heo đen của gia đình chị Thắm có hơn 100 con, trong đó có 13 heo nái giống. Đàn heo đen được nuôi nhốt trên diện tích đất rộng khoảng 1.000 m2.
Trên diện tích chăn nuôi này chị Thắm trồng nhiều cây trứng cá nhằm tạo bóng râm, che mát và có ao nước cạn để heo tự tắm mát; xung quanh được bao quanh bằng lưới B40, không cho heo ra bên ngoài.
Phương thức chăn nuôi heo này phù hợp với đặc tính của loài heo đen truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao chăn nuôi thả rông.
Do được bao bọc lưới B40, thuận lợi cho việc chăm sóc heo đen theo đúng quy trình, kỹ thuật, cho ăn đầy đủ chất, ngày 3 lần, thức ăn được nấu chín từ các loại rau xanh, kết hợp gạo, bắp…cùng thực hiện tiêm chủng định kỳ, kiểm soát được dịch bệnh nên đàn heo phát triển tốt.
Chị Thắm chia sẻ thêm, mỗi năm heo đen nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 10 con. Tính ở mức thấp mỗi lứa 7 con, thì mỗi năm 13 heo đen nái sẽ cung cấp khoảng 182 heo con giống.
Trung bình, heo đen con giống sau 2 tháng tuổi, bán cho người chăn nuôi heo thịt, với giá bán heo giống dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/con, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.