Bình Phước: Nuôi thứ heo trông đã xấu lại còn bắt ăn kham khổ, thế mà bán ai cũng thích mua

Chủ nhật, ngày 10/01/2021 13:03 PM (GMT+7)
Với ưu điểm thịt ngon, dễ nuôi, giá cao, thị trường heo các loại đang khan hiếm sau đợt bệnh dịch tả heo châu Phi, Tổ hợp tác nuôi heo rừng lai của người dân khu phố 4, phường Long Thủy, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) đã phát triển thành hợp tác xã với quy mô và chất lượng hơn.
Bình luận 0
Hiện các loại heo rừng lai loại heo sữa và heo rừng lai loại heo thịt của thành viên đều không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Mô hình nuôi heo rừng lai tại thị xã Phước Long (Bình Phước) đang phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Nông dân 9X đẹp trai nuôi heo từ quân ngũ

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (Bình Dương), năm 2016, Nguyễn Văn Quyết (SN1993) ra quân với nhiều hành trang được tích lũy, trong đó anh tâm đắc nhất là thời gian được đơn vị giao nhiệm vụ chăn nuôi heo.

Bình Phước: Nuôi thứ heo trông đã xấu lại còn bắt ăn kham khổ, thế mà bán ai cũng thích mua - Ảnh 1.

Đàn heo rừng lai hậu bị được anh Nguyễn Văn Quyết ở phường Long Thủy, TX Bình Long (ỉnh Bình Phước) được cho ăn chủ yếu bằng cỏ, lá chuối chặt nhỏ trộn cám bắp.


 Anh Quyết nhớ lại: “Ngày đó, đơn vị nuôi hàng trăm con heo rừng lai để cung cấp thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ. Hằng ngày, cả đàn heo đi kiếm ăn nhưng đến trưa và tối, tôi chỉ gõ xoong, chậu là chúng đua nhau chạy về...".

Theo anh Quyết, heo rừng lai ăn được các loại cỏ mềm và phế phẩm nông nghiệp. Heo rừng lai dễ nuôi, rất ít khi mắc bệnh và nhân đàn rất nhanh”.

Từ kiến thức tích lũy được, năm 2017, anh Quyết sang huyện Bù Đốp mua 1 con heo rừng đực trị giá 7 triệu đồng về nhân giống. 

Đến nay, đàn heo rừng lai của gia đình anh thường có từ 50-70 con với 15 heo nái là heo rừng lai F1, F2. Anh Quyết cho biết, heo rừng lai thường sinh từ 7-10 con/lứa. Heo sữa nuôi 45 ngày sẽ tách mẹ, nuôi thêm 1 tháng nữa sẽ bán heo rừng giống. 

Hiện giá giống heo rừng lai bán trọng lượng từ 5-7kg bán 1,3-1,5 triệu đồng/con. Heo rừng lai cái nuôi 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 25kg sẽ phát dục, đòi sinh sản.

Theo anh Quyết, khi heo rừng lai nái phát dục nên bỏ 2 nước đầu. Từ nước 3 trở đi thì dạ con của heo nái lớn hơn, sẽ sinh sản nhiều heo con. 

Heo rừng lai sinh sản tự nhiên, không cần sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, khi heo mẹ chuyển dạ, anh Quyết thường chặt vài tàu lá chuối, hoặc bỏ rơm vào cho heo làm ổ.

Như vậy heo mẹ sẽ giữ nhiệt độ của cơ thể ấm và khỏe hơn. Để nuôi heo rừng lai số lượng khoảng 50-70 con, ngoài đi kiếm các loại củ, quả phế phẩm nông nghiệp, anh còn dành 1 sào đất để trồng cỏ cho heo. 

Từ năm 2017 đến nay, anh Quyết thu nhập từ đàn heo rừng lai khoảng 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra chưa kể những lợi ích khác từ việc sử dụng phân heo để bón cây trồng và tạo khí đốt bằng hệ thống biogas.

Phát triển hợp tác xã heo rừng lai

Những hộ nuôi heo rừng lai tại khu phố 4 phần lớn đều cách xa khu dân cư tập trung của phường Long Thủy nên không ảnh hưởng môi trường xung quanh. 

Gia đình ông Nguyễn Hữu Phú (SN1955) làm nghề nấu rượu và nuôi heo siêu nạc từ năm 2004. Khi nhu cầu tiêu thụ heo rừng lai trên địa bàn ngày càng phổ biến thì ông cũng lựa giống nhân đàn. 

Ông Phú nuôi heo chủ yếu bằng hèm rượu nên chất lượng hơn so với cám. Heo hồng hào, thưa lông, thịt giòn và đặc biệt lòng heo không có giun sán. 

Ông Phú chia sẻ: “Vì chỉ có vợ chồng già nên chúng tôi thường nuôi 20-30 con heo. Tôi nuôi heo sữa thành heo thịt nhưng đạt trọng lượng khoảng 40kg mới bán. Giá heo rừng lai hơi 140.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với heo thường.

Dù vậy heo rừng lai cũng không đủ phục vụ nhu cầu của nhân dân trong TX Phước Long (tỉnh Bình Phước). Nhiều năm nay, gia đình tôi cũng thường thịt heo rừng lai ăn dần, chứ không ăn thịt heo ngoài chợ”.

Để tạo điều kiện cho mô hình kinh tế nuôi heo rừng lai phát triển hiệu quả, mới đây, Hội Nông dân phường Long Thủy phối hợp với cơ quan chức năng thành lập HTX heo rừng lai Long Thủy với 10 thành viên tham gia. 

Hội đồng quản trị Hợp tác xã gồm 3 người do anh Nguyễn Văn Quyết làm Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX. 

Anh Quyết cho biết: “Trước đây mạnh nhà nào nhà ấy nuôi heo rừng. Tuy nhiên, giờ HTX sẽ quy định về con heo rừng giống, thức ăn, chăm sóc thú y…Tất cả điều đó nhằm nâng cao chất lượng heo rừng giống, heo rừng thịt và xây dựng thương hiệu heo rừng lai Long Thủy. 

"Để đảm bảo heo rừng lai con giống, các thành viên HTX trao đổi lẫn nhau. Tôi đã thỏa thuận, hợp đồng cung cấp heo sữa và heo thịt với một số nhà hàng “heo mẹt” tại thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường tiêu thụ heo rừng lai rất hút hàng nên thành viên đều phấn khởi”.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Thủy (TX Phước Long, tỉnh Bình Phước)-ông Phạm Đức Cảm cho biết: “HTX nuôi heo rừng lai đang có 8 thành viên đang được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, mỗi hộ vay 30 triệu đồng. Trong thời gian tới, Hội phối hợp ngành chức năng sẽ tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật chăn nuôi heo rừng lai, nghiệp vụ về quản lý điều hành để HTX hoạt động ngày càng hiệu quả”.

Quang Minh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem