Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến nhà anh Kiệt trong lúc có khá đông người lui tới. Cái lạ là khi ra về, ai nấy cũng đều tay xách, nách mang lỉnh kỉnh những trái dừa khô.
Hỏi ra mới biết bà con là người từ địa phương khác lẫn người sở tại đến nhà anh Kiệt mua dừa giống về trồng.
Một chị trong nhóm nói với tôi: “Giống dừa này không phải là dừa lạ, hay khan hiếm ở miệt Bến Tre, Trà Vinh, nhưng ở đây thì không thấy. Trong khi đó, cây dừa giống bán trôi nổi dưới sông thì không thiếu gì, ngặt cái mình có biết cây nào là dừa xiêm lùn, hay dừa xiêm cao, thôi chịu khó tìm mua tận gốc tại vườn là chắc ăn hơn”.
Anh Kiệt bên vườn dừa xiêm lùn, cây nào cũng treo đầy trái của mình tại ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang).
Như để rộng đường tìm hiểu thêm thông tin về giống dừa xiêm lùn, anh Kiệt cho biết đặc điểm của giống dừa xiêm lùn xanh này rất dễ trồng, không kén đất, thích nghi nhanh với từng loại đất.
Về câu hỏi giống dừa xiêm lùn trồng bao lâu thì ra trái, anh Kiệt cho hay, chỉ trong khoảng thời gian sau 20 tháng trồng thì dừa xiêm lùn bắt đầu cho ra lưỡi mèo và đúng 24 tháng là dừa cho thu hoạch trái.
Ưu điểm nổi bật của giống dừa xiêm lùn này là cây thấp, vừa tầm tay với hái không phải leo trèo như các giống dừa khác.
Năng suất trái của cây dừa xiêm lùn cũng khá cao, trung bình mỗi buồng (quày) có thể đậu được từ 20-25 trái, vỏ trái mỏng, gáo to, nhiều nước uống rất ngọt.
Có thể nói dừa xiêm lùn là giống dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài cho người trồng, nhất là không tốn nhiều công chăm sóc, trồng được trên các vùng đất trũng phèn, ngay cả muốn cải tạo đất vườn trồng cây lâu năm không hiệu quả…
Theo chân anh Kiệt, tôi và một số bà con khác đi một vòng quanh khu vườn dừa của anh rộng khoảng 2.000m2, dừa không cao lắm nhưng cây nào trái cũng sai oằn.
Anh Kiệt nói như khoe: “Giống dừa xiêm lùn này chiều cao của nó cũng khác hơn những loại dừa thông thường. Không phải chờ đến độ cao 5-7m mới ra hoa kết trái, chỉ sau 2 năm trồng thì đã chi chít trái, mật độ trái dày và nặng, 1 buồng 2 người khiêng, vì vậy khi hái trái không cần phải leo trèo như những giống dừa khác”.
Theo quan sát của chúng tôi, trên mỗi buồng dừa nhà anh Kiệt có từ 20-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 1,3-1,5kg, chặt thử 1 trái thấy vỏ dừa rất mỏng, gáo dừa to, lượng nước bên trong khá nhiều và nước dừa rất ngọt.
Anh Kiệt khẳng định: “Mặc dù mới thu hoạch trái năm đầu tiên, cây dừa xiêm lùn cũng mới bước sang tuổi thứ 3 mấy tháng, nhưng năng suất trái tính ra đạt từ 250 đến hơn 300 trái/cây/năm”.
Tuy nhiên, lúc này cây dừa cho trái chưa đều, phải chờ khi dừa bước sang tuổi thứ 5 trở lên thì cây mới có thể cho trái ổn định và kéo dài thời gian đến khoảng 30 năm, nếu người trồng chăm sóc, bón phân đầy đủ và không bị sâu bệnh gây hại làm chết cây.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trồng dừa xiêm lùn, anh Kiệt cho rằng giống dừa này rất dễ trồng, nhưng muốn dừa mau bén đất, phát triển nhanh, trước khi trồng phải đào lỗ sâu khoảng vài mươi phân, rồi phủ lên một lớp phân hữu cơ xuống đầy hố, sau đó đặt cây dừa con lên mặt phân oai mục, rồi lấp đất lại để giữ cứng thân dừa.
Nước là khâu quan trọng nên phải thường xuyên tưới cho cây dừa trong những ngày đầu mới trồng. Bên cạnh đó bón thêm một ít phân hỗn hợp cho cây sau một tuần trồng để cây dừa mau phát triển. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước theo những gì anh học hỏi được từ những người trồng dừa đi trước, hay trên báo, đài… nên hơn 160 gốc dừa của anh luôn sống khỏe, năng suất trái như mong đợi.
Với khoảng cách 7 ngày anh hái trái 1 lần, mỗi lần được hơn 200 trái dừa khô, anh bán với giá 20.000 đồng/trái, riêng dừa trái đã qua khâu ươm giống lên thành cây, vô bầu, anh bán ra 35.000 đồng/trái.
Hiện tại, dừa khô giống không đủ bán theo đơn đặt hàng của bà con, người đặt mua nhiều buộc phải đợi cả tháng mới có.
Mấy ông lái dừa tươi bỏ mối cho quán nước ngày nào cũng ghé hỏi mua, anh thì không bán vì không phải chê dừa tươi bán giá rẻ mà chẳng qua anh muốn chia sẻ với bà con nông dân những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu sau này họ trồng, họ sẽ có được nguồn thu nhập khá hơn để cải thiện cuộc sống gia đình.
Chia tay anh Kiệt khi xế chiều, trong căn nhà tường kiên cố khang trang của anh vẫn giòn giã tiếng cười vui của những vị khách đến mua dừa. Đây thật sự là tín hiệu vui hứa hẹn một cây trồng mới đầy tiềm năng cho vùng đất Hậu Giang.