Dân Việt

Thông tin bất ngờ về hình ảnh cô gái 17 tuổi người Anh tố bị 2 nghệ sỹ Việt Nam hiếp dâm

PV 02/07/2022 12:04 GMT+7
Ngay sau khi thông tin hai nghệ sỹ Việt Nam bị tố hiếp dâm cô gái 17 tuổi người Anh, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh được cho là của cô gái này.

Thông tin về việc hai nghệ sỹ người Việt Nam bị tố cáo hiếp dâm cô gái 17 tuổi người Anh đang thu hút sự chú ý của dư luận. 

Theo thông tin mới nhất, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin xác nhận 2 công dân Việt Nam bị cáo buộc "xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi" và "xâm phạm quyền riêng tư" tại Tây Ban Nha. Hai người này hiện đang được tại ngoại.

Theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã triển khai bước đầu các biện pháp bảo hộ công dân, làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin.

Đại sứ quán Việt Nam đề nghị phía Tây Ban Nha đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam cũng như kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xử lý cho Đại sứ quán.

Sau khi xuất hiện thông tin về vụ việc cô gái 17 tuổi người Anh tố bị 2 nghệ sỹ Việt Nam hiếp dâm, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là của cô gái có liên quan đến vụ việc. 

Thông tin bất ngờ vụ cô gái 17 tuổi người Anh tố bị 2 nghệ sỹ Việt Nam hiếp dâm ở Tây Ban Nha - Ảnh 2.

Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho là hình ảnh cô gái 17 tuổi người Anh liên quan đến vụ việc tại Tây Ban Nha. Nhưng thực tế, đây là hình ảnh chụp khách du lịch tại dinh Độc Lập (TPHCM). Ảnh trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo kiểm chứng của PV Dân Việt, bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội về một cô gái người nước ngoài được chụp tại Dinh Độc Lập (Việt Nam), không phải hình ảnh cô gái 17 tuổi người Anh chụp tại Tây Ban Nha. Đây là hình ảnh chụp du khách tham quan tại Dinh Độc Lập. 

Một hình ảnh khác phóng viên Dân Việt ghi được trong Dinh Độc Lập cho thấy, chiếc tủ xuất hiện trong bức ảnh được cho là "cô gái 17 tuổi người Anh" liên quan đến vụ việc ở Tây Ban Nha là ở trong Dinh Độc Lập hay Hội trường Thống Nhất (TPCHM). Bối cảnh chụp bức ảnh này là khu vực trong Dinh Độc Lập. 

Qua công cụ kiểm chứng hình ảnh, bức ảnh kể trên được chụp nhiều năm trước, được gán ghép vào vụ việc đang được quan tâm về hai nghệ sỹ Việt Nam ở Tây Ban Nha. 

Thông tin bất ngờ vụ cô gái 17 tuổi người Anh tố bị 2 nghệ sỹ Việt Nam hiếp dâm ở Tây Ban Nha - Ảnh 3.

Ảnh chụp bên trong Dinh Độc Lập (TPHCM), với vị trí chiếc tủ gỗ như trong hình ảnh cô gái 17 tuổi người Anh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh ĐV.

Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác. 

Hiện các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số cách thức giúp người đọc có thể phát hiện tin giả thông qua 6 bước:

Bước 1: Kiểm tra xem bài viết đến từ nguồn nào?

Bước 2: Đọc kỹ trang giới thiệu để biết rõ ai đang vận hành website đó và người ta có nói rằng đây là trang châm biếm hay cố tình đăng tin giả không?

Bước 3: Kiểm tra câu trích dẫn, nếu bài viết trích dẫn lời một người nổi tiếng hoặc đến từ đại diện một cơ quan chức năng như sỹ quan cảnh sát, hãy thử gián câu đó vào công cụ tìm kiếm.

Bước 4: Kiểm tra đường link bằng cách click vào các đường link trong bài viết và kiểm tra xem link có hoạt động không hoặc có từ nguồn tin cậy không?

Bước 5: Tìm kiếm ảnh ngược với những hình ảnh và các sản phẩm khác trong bài viết.

Bước 6: Chậm lại. Nếu như câu chuyện quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin hoặc khiến bạn có phản ứng xúc cảm mạnh mẽ thì hãy tỉnh trí lại một chút.

Đồng thời, khi phát hiện tin giả cần thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam qua website: http://tingia.gov.vn, hoặc email: online.abei@mic.gov.vn. Người dân cũng có thể gọi trực tiếp báo về tin giả tới số điện thoại: 18008108.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 101) như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...

Mức phạt tối đa là 20 triệu đồng (đối với tổ chức, cá nhân bằng 1/2 mức trên).

Những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015.