2 nghệ sĩ bị tố hiếp dâm ở Tây Ban Nha: Thuê luật sư ở Việt Nam hay Tây Ban Nha?
Bị tố hiếp dâm ở Tây Ban Nha: Thuê luật sư ở Việt Nam hay Tây Ban Nha?
Quang Minh
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 09:57 AM (GMT+7)
Báo chí nước ngoài đồng loạt đưa tin, một cô gái 17 tuổi người Anh tố cáo 2 người đàn ông Việt Nam (một được cho là diễn viên và một là nhạc sĩ) cưỡng hiếp tại Majorca, Tây Ban Nha. Trong trường hợp này nên thuê luật sư ở Việt Nam hay ở Tây Ban Nha?
Người phạm tội hiếp dâm có thể bị phạt lên đến 15 năm tù
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, tội hiếp dâm là một trong những tội phạm xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của con người.
Tại Việt Nam, theo Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội hiếp dâm thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Nếu xác định có vi phạm hành vi nêu trên thì mức phạt có thể phải đối mặt là từ 07 năm đến 15 năm tù giam.
Ngoài ra theo luật sư Tùng, quy định pháp luật tại Tây Ban Nha nêu rõ, người phạm tội hiếp dâm có thể bị xử phạt từ 06 đến 12 năm tù.
Sắp tới tại nước này, với hành vi quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù lên đến 15 năm tù do Quốc hội Tây Ban Nha mới thông qua dự luật liên quan đến vấn đề này.
"Hiện nay, giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã có Hiệp định dẫn độ. Vậy nên, Tây Ban Nha có thể chuyển giao người vi phạm về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án. Nếu vụ việc được xử lý bởi Tòa án Tây Ban Nha, người vi phạm có thể nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư nước sở tại thay vì luật sư Việt Nam", luật sư Tùng chia sẻ.
Công dân phạm tội ở nước ngoài có thể được xử lý theo quy định của Việt Nam
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết thêm, hiện nay, theo quy định tại Điều 6 Bộ luật hình sự quy định, công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Như vậy, hành vi phạm tội ở nước ngoài của công dân Việt Nam vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm diễn ra tại ngoài lãnh thổ Việt Nam còn cần đến sự hỗ trợ của nước sở tại thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại về việc dẫn độ tội phạm.
Cụ thể, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Theo đó, việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những quy định đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp mà hai nước đã ký kết.
Đặc biệt, việc dẫn độ phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo quy định của nước sở tại.
Trong trường hợp, không có Hiệp định tương trợ tư pháp việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra … sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể.
Nếu nước sở tại không dẫn độ người phạm tội, thì người này có thể bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng tại nước sở tại.
Liên quan thông tin vụ việc về hai nghệ sỹ bị tố có hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì đây mới chỉ là những thông tin ban đầu, do đó cần phải có thông tin, cụ thể chính xác từ các cơ quan chức năng của nước sở tại.
Nếu có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ cần tiến hành các cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
"Tôi cho rằng vụ việc này cần phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng trên cơ sở các căn cứ pháp lý và tiến trình thực hiện thủ tục tố tụng", luật sư Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.