Thời điểm từ tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2021 là lúc Hà Nội đang ở cao trào của dịch bệnh.
Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội, các hàng quán chỉ được bán hàng mang về, người dân không được ăn tại chỗ.
Đó thực sự là giai đoạn khó khăn, cuộc sống trở nên áp lực, bí bách khi sự tự do bình thường bị hạn chế. Nhưng quả thực tinh thần người dân lúc nào cũng là "chống dịch như chống giặc"!
Một trong những món ăn được cho là tinh hoa ẩm thực Hà thành chính là phở. Ở Hà Nội có rất nhiều quán phở ngon và nổi tiếng. Thưởng thức một tô phở Hà Nội là phải ngồi ở quán đó, bất kể ở đâu nếu bạn đã thân thuộc nơi ấy.
Có một thời Hà Nội "bán mang về". Ảnh: Vương Lộc.
Tôi thường ăn ở quán phở thân quen trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân gần nhà công vụ Phòng không - Không quân.
Nhưng dịch bệnh đến, quán chỉ "bán mang về" (đôi lúc phải đóng cửa), tôi hay như bao người khác không thể ăn tô phở ở quán mà bất đắc dĩ phải mua đem về nhà.
Có lần tôi cố gặng hỏi bác chủ: "Có chỗ nào trong nhà ngồi được cho cháu ăn tạm một lúc được không, chứ mang về nhà mất hết hương vị bát phở ạ".
Bác chủ quán phở quen cũng ái ngại, lắc đầu ngao ngán: "Giờ dịch dã không được đâu cháu ạ, chỉ được bán cho khách mang về thôi, vẫn còn may cho quán vẫn trong vùng xanh, không phải trong vùng cam, đỏ để còn bán được phở ấy chứ".
Vậy đó, tôi đành ngậm ngùi mang phở về nhà nhưng thực sự tô phở Hà Nội đâu thể tròn vị khi được bọc trong túi nilon.
Phở Hà Nội là phở tô tròn và được ăn tại quán! Vừa ăn phở trong nhà tôi nghẹn ngào ước một ngày Hà Nội được trở về bình thường, quán phở được mở tự do thoải mái...
Cho đến bây giờ, đi dọc các con phố Hà Nội ta vẫn bắt gặp những tấm biển treo, giấy dán có dòng chữ "bán hàng mang về". Tấm biển đã mòn góc, giấy treo đã sờn, mất đi nét chữ nhưng nó ghi dấu cho một thời kỳ Thủ đô hứng chịu dịch bệnh hoành hành.
Từng có một Hà Nội "bán mang về" luôn là khoảng thời gian ghi dấu khó quên, một thời cuộc sống chỉ bó buộc trong nhà, trong con ngõ nhỏ bị phong tỏa, những ngày tháng nặng nề trôi đi một cách chậm chạp nhất.
Hà Nội đã tạm qua thời khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường mới. Ảnh: Vương Lộc.
Hà Nội trong khoảng thời gian giãn cách xã hội mọi thực phẩm chỉ được "bán mang về", quán cà phê, quán ăn thân thuộc đã không còn là điểm hẹn, nơi tụ họp của tôi cùng những người bạn.
Những mối quan hệ trong thời gian giãn cách ấy tôi cũng không thể... "mang về", mọi thứ dần xa cách hơn. Đại dịch khiến con người ta mất mát nhiều thứ, lấy đi nhiều thứ...
Chắc hẳn nhiều người nhớ về Hà Nội thời gian bùng phát đại dịch không chỉ có "bán mang về" mà thời đó còn là "giấy đi đường", "phiếu đi chợ", "vùng xanh, cam, đỏ"... đều là những "thuật ngữ" một thời khó khăn của cuộc sống nơi nội đô.
Nhưng tôi tin tình người còn đó bởi trong đại dịch con người luôn tương trợ nhau bằng nghĩa cử cao đẹp. Nhiều người nội thành Hà Nội sẵn sàng san sẻ cho nhau, hỗ trợ nhau trong hoạn nạn ngay từ những điều nhỏ bé mà thiết thực, từ chiếc khẩu trang đến lọ nước sát khuẩn…
Vượt lên trên tất cả, khó khăn cho ta bài học, dạy cho ta trân quý những gì còn lại và có được của thực tại. Khi ta đi qua khó khăn, gian khó sẽ biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc, niềm vui của thực tại để từ đó sống tốt hơn, không ngừng nỗ lực vươn lên.
Một giai đoạn đại dịch khó khăn của Hà Nội đã qua dù chưa lâu nhưng quan trọng cuộc sống bình thường của chúng ta đang hiện hữu, người dân nơi đây luôn nhớ về thời điểm nhiều thử thách đó và chung tay phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 hướng đến cuộc sống an toàn, bình yên và hạnh phúc nơi Thủ đô yêu dấu.
Hà Nội hay Việt Nam cả nước nói chung giờ đây đã trở lại "bình thường mới", mọi sinh hoạt đã trở lại gần như lúc trước.
Một Hà Nội thân thiện, văn minh, sôi động luôn mạnh mẽ trước bão giông và cố gắng vươn lên phát triển bởi nơi đây là trái tim của Việt Nam.
Bài viết Một thời Hà Nội "bán mang về" dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận