Mỗi khi từ miền Nam ra, trước khi về quê ở Hải Dương, gia đình chúng tôi đều đáp máy bay xuống Hà Nội để ghé thăm bác gái – chị của bố tôi.
Căn nhà bác ấy ở tầng 2 trong khu tập thể cũ. Hà Nội là Thủ đô của đất nước, phát triển giàu mạnh nên mật độ dân cư rất cao. Nhà cửa, đất đai ở Hà Nội thì đắt giá, tấc đất tấc vàng.
Gia đình bác gồm 5 người, chen chúc trong căn nhà do cơ quan bác ấy cấp cho. Mỗi khi gặp mặt, đại gia đình chúng tôi thường không thích đi ăn ở hàng quán bên ngoài do giá cả đắt đỏ.
Các anh chị đều nấu ăn ngon tuyệt hảo. Các anh chị họ sẽ đi chợ, mua rau củ, thịt cá tươi sống để về chế biến, nấu nướng để thết đãi chúng tôi từ miền Nam ghé thăm.
Chúng tôi thường hỏi han, cùng nhau nhặt rau, rửa chén bát vui vẻ, đầm ấm. Căn nhà tuy nhỏ nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vun vầy khi ghé đến.
Chợ nhỏ ở gần căn nhà của bác. Tôi thường lò dò theo chị họ đi ra chợ mua thức ăn. Con đường đi ngắn nhưng ngoằn nghèo khó nhớ. Chị họ tôi dặn đó là lối đi tắt cho gần.
Chợ Hà Nội có không khí bình yên chứ không sôi động, náo nhiệt như chợ ở miền Nam. Có lẽ toàn bộ Hà Nội luôn mang nét đẹp cổ kính, thâm trầm từ bao nhiêu thế hệ.
Tôi có thể bắt gặp mấy bà mấy chị ngồi bán mấy mớ rau tươi xanh, hay rổ quả sấu tươi chua thanh nhẹ, hay thứ trái cây tôi chưa gặp bao giờ ở miền Nam.
Trong chợ, có quán bán chè trôi nước nho nhỏ. Khách thường sà tới và ngồi vào chiếc ghế nhựa con con, là được trao tay bát chè trôi nước thơm lừng vị gừng, ngọt, nóng ấm. Chợ nhỏ nhưng đầy đủ thức vị cho các ngôi nhà gần đấy sửa soạn mâm cơm cho gia đình.
Hàng xóm của nhà bác gái tôi là những người thân thiện và đáng mến. Buổi tối, các chị hàng xóm và chị họ tôi thường rủ nhau ra ban công, tập thể dục và trò chuyện. Tôi thấy các chị hàng xóm với chị tôi thật gần gụi như người nhà.
Hầu như các gia đình trong khu tập thể ấy đã có nhiều năm gắn bó, sinh sống bên cạnh nhau, từ khi họ bắt đầu chuyển vào khu tập thể đến bây giờ.
Hà Nội quả đúng với cái tên "làng trong phố". Vì khi đi trên những con đường sạch đẹp, rải nhựa chỉnh chu, bạn dễ dàng bắt gặp những quán ăn nhỏ, hay chỉ là gánh hàng ăn với người bán hàng đon đả mời khách.
Anh bạn của tôi thì không để ý nhiều đến các gánh hàng ăn uống như tôi, anh ta sẽ say mê dõi mắt kiếm tìm những chiếc xe đạp chở hoa tươi rao bán.
Với anh, hoa tươi hay người Hà Nội luôn là biểu tượng cho sự thanh lịch, đằm thắm. Hà Nội có hiện đại, lung linh thật đấy, nhưng vòng quay xe đạp ấy, hay dấu chân của người gánh hàng ăn rao bán ấy, như lưu giữ về nếp sống xa xưa mang màu sắc giản đơn mà đầy ấm áp.
Ở miền Nam, nơi gia đình tôi đang sinh sống, xe đạp thường chỉ số ít người sử dụng như học sinh đến trường. Những người bán hàng là đi xe gắn máy, gắn thùng chứa hàng phía sau, thường có thêm chiếc loa phát tiếng rao ồn ã, làm không ít người nghe khó chịu.
Nhớ khi ghé chơi nước Nhật, tôi ngỡ ngàng khi thấy người Nhật mặc nguyên bộ vest lịch sự và đạp xe trên đường. Ở Nhật, họ đa số đi tàu điện, xe buýt, đi bộ, còn lại đi ô tô riêng, xe đạp. Riêng người bưu tá mới sử dụng xe gắn máy.
Mẹ tôi đặc biệt yêu thích món xôi bắp được bày bán trước ngõ nhà bác. Cái ngõ nhỏ, nhưng chị bán xôi vẫn khéo đặt chiếc bàn để bán xôi buổi sáng.
Xôi bắp được nấu khô, rời, thêm đậu xanh nghiền, đường cát,...nhìn thật bắt mắt. Sáng ra, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, đi đoạn ngắn là có thể mua ăn sáng ngay.
Mẹ tôi bảo xôi bắp ở chợ miền Nam thường bị nấu nhão, ăn vào không thấy hợp ý. Nhìn mẹ tôi suýt soa, tấm tắc món xôi bắp mới biết nỗi nhớ quê Bắc da diết của mẹ.
Do bận rộn công việc nên nhiều năm, gia đình chúng tôi mới sắp xếp đi về miền Bắc thăm hỏi họ hàng. Thế mới nói, đi thật xa, rồi trải qua nhiều sóng gió, mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy nhớ nhung, quý yêu hương vị quê nhà, mong mỏi được trở về quê nhà.
Hà Nội là nơi để chúng tôi có thể ghé thăm gia đình bác gái với các anh chị họ đầy vui tính, năng động. Tôi nghĩ, ghé thăm họ hàng cũng là cách để mở rộng thế giới quan của mỗi người, không nhất thiết đi tới trường học hay triển lãm làm gì.
Hà Nội tuy xa xôi với TP.HCM nơi gia đình chúng tôi sinh sống nhưng cũng thật gần vì ở đó có nhà bác gái. Mỗi dịp ghé về Hà Nội, tôi đều tranh thủ ghé nhà bác để hỏi thăm mọi người.
Bài viết Nhớ về căn nhà bác trong khu tập thể cũ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.