Lao động bán trà đá vỉa hè thu nhập vài chỉ vàng mỗi tháng. Video: Minh Nguyệt
Bước vào nghề bán trà đá vỉa hè chưa lâu nhưng anh Dương Viết Nguyên (48 tuổi) ở Chương Mỹ khá nhạy bén với công việc kinh doanh. Hiện vợ chồng anh là chủ 2 quán trà đá vỉa hè ở phường Dương Nội cạnh Aeon Mall Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội).
Anh Nguyên cho biết, trước đây anh làm thợ xây, công việc vất vả thu nhập lại thấp nên 2 vợ chồng tính kế chuyển công việc. Mày mò thế nào lại được bà chị họ chỉ cách thuê vỉa hè để ngồi bán trà đá.
May mắn anh chị chọn được vị trí đắc địa, gần trung tâm thương mại, quán ở góc, có hai mặt đường nên quán trà đá vỉa hè của anh khá đông khách. Trên con đường này, gia đình anh mở tới 2 quán trà đá.
"Ngoài bán trà đá, vợ chồng tôi còn bán thêm nhiều thứ nước khác như: Nước mía, nước dừa, chè, nước ngọt, đồ ăn nhẹ... Khách hàng cũng tương đối ổn định, thu nhập cũng đủ sống", anh Nguyên tâm sự.
Hiện nay 2 quán trà đá vỉa hè đối diện với cổng Aeon Mall Hà Đông là nguồn thu nhập của 2 vợ chồng anh chị và vợ chồng 2 con trai.
Theo tính toán, một cốc nước chè, nước vối đá có giá 3.000 đồng, vợ chồng anh chị cũng lãi được 2.000 đồng. Một cốc chè dừa dầm có giá 15.000 đồng vợ chồng anh chị cũng lãi được 5.000 đồng. Chưa kể các loại nước ngọt, nước mía, đồ ăn nhanh như: Trứng; bánh mì... Trung bình mỗi ngày anh chị kiếm tiền triệu không khó.
"Tôi thích công việc này vì nó khá phù hợp với vợ chồng tôi. Không cần đầu tư lớn, cũng không cần đòi hỏi chất xám cao nhưng thu nhập cũng đều. Trừ ngày mưa gió, còn lại trừ chi phí, điện đóm, ăn uống... mỗi tháng cũng còn được 25-30 triệu đồng (2 quán)", anh Nguyên kể.
Quán trà đá vỉa hè của anh Nguyên bán cả ngày, từ 6-7 giờ sáng tới 21-22 giờ tối. Tuy nhiên, tối là đông khách nhất. Ban ngày, lượng khách ra vào khá ít. Tính trung bình, mỗi ngày quán trà đá vỉa hè này cũng đón khoảng 300-400 lượt khách.
Anh Nguyễn Viết Nam - Lái xe taxi đồng thời cũng là một khách quen của quán trà đá vỉa hè của anh Nguyên cho biết, công việc chạy taxi phải ngồi cả ngày trên xe nhiều khi rất mệt và mỏi. Vì thế ngày vài bận, anh lại quay lại đây để ngồi uống ngụm nước trà và co duỗi cơ thể.
"Vị trí này có thể đậu được ô tô, nên khá thuận tiện với tôi. Hơn nữa lái xe như chúng tôi chỉ thích ngồi uống nước chứ không thích cà phê một phần vì giá rẻ, phần khác vì nó phù hợp được ngồi hít tí khí trời", anh Nam nói.
Tương tự, Lương Xuân Khánh, 27 tuổi (Hà Nam) làm nghề chạy Grab cũng thường xuyên ghé quán trà đá vỉa hè để giải khát. Khánh kể: Thời tiết Hà Nội nắng nóng, một ngày cậu phải dừng chân tới 6-7 lần ngồi nghỉ, uống nước tiếp sức. Tiện đâu ngồi đó, nhưng chỉ dám ngồi quán trà đá vì tiền nước rẻ.
"Trời nắng thế này, không uống đủ nước chạy xe không nổi. Thường em chỉ uống nước trà lúc nào mệt quá thì làm thêm cốc chè dừa dầm, hay cốc chè đậu đen giải nhiệt. Loanh quanh mà ngày cũng phải mất 30-40 nghìn tiền nước đấy chị", Khánh kể.
Theo quan sát, các quán trà đá chủ yếu là dành cho dân lao động, thu nhập thấp. Thay vì phải trả từ 20-50 nghìn đồng cho cốc cà phê hay cốc nước thì khách hàng của quán trà đá chỉ cần trả từ 3 nghìn đồng là có một cốc nước.
Bán trà đá vỉa hè "không phải việc nhẹ lương cao"
Nghe tới nghề bán nước trà đá vỉa hè Hà Nội, nhiều người nghĩ đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy. Công việc như chăm con mọn bởi vì nó cũng là quán tạp hóa thu nhỏ.
Bà Lê Thị Ngân (57 tuổi) có quán trà đá vỉa hè ở góc đường Sa Đôi (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, nhiều hôm cũng phải thức khuya, dậy sớm dọn hàng. Chưa kể công việc ngồi ngoài trời nên cũng chịu tác động của mưa nắng.
Những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm ngồi bán trà đá vỉa hè chẳng khác gì ngồi trong lò thiêu. Dù có che ô, bạt nhưng cũng không ăn thua, lúc nào người cũng vã mồ hôi, hâm hấp nóng. Ngược lại những ngày trời mưa thì không chỉ ế khách, chạy dọn hàng, dính mưa về cũng phát ốm.
"Nhiều người cứ nói bán trà đá vỉa hè là việc nhẹ lương cao, nhưng không phải vậy đâu. Kiếm được đồng tiền đâu có dễ, bợt mặt dưới nắng gắt mưa rào. Đôi khi phải cong mông chạy xe tuần tra công an khu vực", bà Ngân chia sẻ.
Không phải vị trí đắc địa, nên mỗi tháng quán trà đá vỉa hè của bà cũng chỉ mang về 5-7 triệu đồng. Thu nhập ít với nhiều người nhưng là nhiều với bà - một người phụ nữ đơn thân không có nghề nghiệp ổn định.
"Tôi chỉ mong ước mình khỏe mạnh, không ốm đau. Giờ còn sức khỏe còn đi làm là còn khoản tiền sinh sống. Nếu như không đi làm được nữa thì không biết phải lấy gì sinh nhai", bà Ngân kể.