Bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, khó thở, đau nhiều vùng ngực. Qua khai thác thông tin từ phía gia đình, được biết bệnh nhân đi xe ô tô bị tai nạn trên đường cao tốc, đập trực tiếp vùng ngực vào vô lăng.
Nhận định với cơ chế chấn thương như vậy có nguy cơ cao bị chấn thương động mạch chủ ngực, bệnh nhân đã được kịp thời chụp cắt lớp vi tình lồng ngực có tiêm thuốc cản quang và phát hiện tình trạng rách động mạch chủ ngực, tràn máu khoang màng phổi 2 bên.
Ngay sau khi được làm các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân được can thiệp cấp cứu đặt stent graft động mạch chủ ngực, đặt dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên.
Hiện tại tình trạng bệnh nhân diễn biến tốt, ý thức tỉnh táo, không còn khó thở, hết đau ngực và đã được xuất viện theo dõi thêm tại nhà.
Theo TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Quân đội 108), chấn thương động mạch chủ ngực do tai nạn giao thông thường gặp là do cơ chế giảm tốc (giảm tốc độ đột ngột khi đang di chuyển với tốc độ cao dẫn đến va đập trực tiếp vùng ngực vào vật tù như vô lăng…) hoặc chấn thương xuyên thấu dẫn đến rách, vỡ động mạch chủ ngực.
Đây là một cấp cứu ngoại khoa, là nguyên nhân thường gặp gây đột tử nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Tại Mỹ, theo thống kê chấn thương động mạch chủ là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 2, chỉ sau chấn thương sọ não. Khoảng 30% bệnh nhân bị chấn thương động mạch chủ bị tử vong trong vòng 24 giờ đầu sau tai nạn.
Tại Việt Nam hiện tại vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên đây không phải là tổn thương hiếm gặp.
"Điều đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân bị chấn thương động mạch chủ ngực không có triệu chứng gì đặc biệt, bệnh nhân thường chỉ than phiền bị đau tức vùng ngực, kiểm tra huyết áp có thể thấy huyết áp khác nhau ở 2 bên cánh tay.
Do đó việc căn cứ vào cơ chế chấn thương, thăm khám và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang là rất quan trọng để đưa ra chẩn đoán sớm ở những trường hợp nghi ngờ", TS Hải nhấn mạnh.
TS Hải khuyến cáo người dân khi gặp tai nạn giao thông, va đập mạnh vào ngực dù không thấy thương tích nghiêm trọng vẫn cần đi viện để được thăm khám, chẩn đoán hình ảnh kịp thời, phát hiện các chấn thương bên trong, đặc biệt là chấn thương động mạch chủ ngực.
Nếu để lâu không được điều trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.