Trẻ có nguy cơ bị hội chứng MIS-C nặng nếu chưa tiêm vaccine Covid-19
Trẻ có nguy cơ bị hội chứng MIS-C nặng nếu chưa tiêm vaccine Covid-19
Diệu Linh
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 06:23 AM (GMT+7)
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận ần 300 trẻ mắc hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) hậu Covid-19, phần lớn các em đều chưa tiêm vaccine Covid-19.
50% các em gặp hội chứng MIS-C hậu Covid-19 phải điều trị tích cực
PGS Điển chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua đã có gần 800 em đến khám tại bệnh viện vì các triệu chứng hậu Covid-19, trong đó 283 em đã bị hội chứng suy đa cơ quan (còn gọi là hội chứng MIS-C). Gần 50% trong số các em bị hội chứng MIS-C đã phải điều trị hồi sức tích cực.
Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO. Hầu như các trường hợp mắc MIS-C đều chưa tiêm vaccine Covid-19... chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus.
"Hội chứng MIS-C hậu Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ", PGS Điển cho biết.
Theo PGS Điển, rất may mắn trong nhóm trẻ mắc hội chứng MIS-C hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết đều được cứu sống. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng.
"Như vậy, trẻ chưa tiêm vaccine Covid-19 bị mắc Covid-19 dễ bị bệnh nặng, thậm chí khi đã khỏi Covid-19 các em vẫn có nguy cơ mắc hậu Covid-19 nặng, khiến cho sức khỏe bị đe dọa và gia đình phải gánh chi phí điều trị lớn", PGS Điển nhận định.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trong gần 1 năm qua cũng đã tiếp nhận và điều trị 153 em mắc họi chứng MIS-C hậu Covid-19. Trong số đó có đến 149 ca chưa được tiêm vaccine Covid-19 (chiếm 97,4%).
Không chủ quan nếu trẻ em mắc Covid-19 nhẹ
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, mọi người có thể thấy trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, tỷ lệ tử vong cũng ít hơn.
Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến 18 tuổi của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy, số tử vong ở độ tuổi này rất thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số ca tử vong chung của cả nước.
"Tuy nhiên, một số vấn đề quan ngại chính là hội chứng MIS-C hậu Covid-19 của nhiều trẻ em. Đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp. huyết học, thần knh... ", ông Dương nhấn mạnh.
Theo PGS Điển, trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỷ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19.
Với các ca bệnh nhi mắc Covid-19 nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mãn tính, bệnh nền. Tuy nhiên, có 1 tỷ lệ không nhỏ trẻ bị các triệu chứng Covid-19 nặng là trẻ em chưa được tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là nhóm tuổi dưới 11.
"Hiện nay, biến thể mới của virus Omicron là BA.4, BA.5 đang được Tổ chức Y tế thế giới nhận định là có khả năng lây lan nhanh. Nếu số ca bệnh tăng ở nhóm trẻ em chưa được tiêm vaccine Covid-19 thì sẽ nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em.
Chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng tiêm vaccine Covid-19 không những có tác dụng giúp tránh bị MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%.
Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi.
Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc Covid-19.
Vaccine Covid-1 được sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn
"Trước tiên tôi muốn nói rằng luôn luôn có tác dụng phụ khi chúng ta tiêm vaccine, vaccine nào cũng thế. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm.
Nhưng kể cả có những biến cố, tác dụng phụ như thế, chúng ta vẫn thấy lợi ích cao hơn rủi ro và chúng ta có các dữ liệu bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn. Tất nhiên cũng có rất hiếm các trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung là lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều.
Đối với mũi 3, mũi 4, khi chúng ta thực hiện tiêm vaccine Covid-19, chúng ta đều có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi, các tác dụng phụ. Khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine Covid-19 thì các bệnh viện, phòng khám đều sẵn sàng để có thể phát hiện cũng như đối phó với các trường hợp bị biến cố bất lợi, đặc biệt những biến cố nặng như sốc phản vệ…
Lý do thứ hai là đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Một khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Sau 4 đến 6 tháng, tiêm vaccine Covid-19 là cơ hội giúp cho cộng đồng được bảo vệ. Một khi chúng ta còn vaccine thì điều rất là tốt là chúng ta phải tiêm phòng để bảo vệ cho công chúng"
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam.
Mời các bạn xem video: Hướng dẫn tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine Covid-19.
Hướng dẫn tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine Covid-19. Nguồn HCDC
Vui lòng nhập nội dung bình luận.