Trong báo cáo tình hình sản xuất thương mại 6 tháng năm 2022, Bộ Công Thương tán thành với đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT của Bộ Tài chính, đồng thời kiến nghị giảm thêm các loại thuế khác như thuế nhập khẩu, các loại phí khác nhằm giảm giá xăng đang tăng cao.
Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo Bộ Công Thương, các phương án giảm thuế phí xăng dầu sẽ giúp hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương thông tin về sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn, theo đó trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại).
Chính vì xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, do đó theo Bộ Công Thương giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 44,30% đến 91,47% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 26,73-67,96%.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG không còn nhiều dư địa, việc giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện nay chưa đủ để kìm giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến dự án Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Về giải pháp, Bộ Công Thương cho biết sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng.
"Thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp", Bộ Công Thương thông tin.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Bộ Tài chính có đề xuất lớn nhằm giảm thuế phí đối với xăng dầu, trong đó có thuế môi trường giảm kịch khung (1.000 đồng/ lít) và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT). Riêng đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, Chính phủ đã thống nhất đệ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xem xét quyết định (có thể trong trung tuần giữa tháng 7/2022). Ngoài ra, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT cũng đang được Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định (nhiều khả năng trong tháng 10/2022).
Hiện, thuế nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam dao động từ 8-10% (từ các thị trường Hàn Quốc, ASEAN- tuỳ từng thể loại xăng dầu), trong khi đó các thị trường khác thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu theo mức thuế ưu đãi MFN của WTO là 20%; Bộ Tài chính trước đó đề xuất giảm thuế này xuống 12% nhằm đa dạng nguồn cung, khách hàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia xăng dầu, doanh nghiệp dầu mối xăng dầu, việc giảm thuế nhập xăng dầu từ 20% xuống 12% chưa đủ lợi thế cạnh tranh để đa dạng nguồn cung do chênh lệch thuế suất với các thị trường nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN về Việt Nam là rất lớn (nếu được Quốc hội thông qua), sẽ dao động từ 2-4%, mức thuế suất này cũng khá cao so với cấu thành giá trong thuế nhập khẩu xăng dầu.