Giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng dầu: Chờ được "vạ", "má" đã sưng

An Linh Thứ sáu, ngày 01/07/2022 07:59 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để Quốc hội xem xét thông qua nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu. Cơ hội giảm giá xăng dầu đã có, song có lẽ phải chờ từ 4 đến 5 tháng nữa.
Bình luận 0

Phải chờ 4-5 tháng nữa, giá xăng dầu hạ nhiệt nhờ giảm thuế!

Theo một số chuyên gia về xăng dầu, phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính vì vậy, phải đợi đến tháng 10/2022, khi kỳ họp chính thức của Quốc hội, nếu phương án giảm hai sắc thuế trên được đưa vào chương trình làm việc, sửa luật của Quốc hội, kỳ vọng giảm thuế hạ nhiệt giá xăng mới trở thành thực tế.

Giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng dầu: Chờ được "vạ", "má" đã sưng - Ảnh 1.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm hàng loạt sắc thuế, nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Ảnh: CTV

Quốc hội có thể sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra phương án có sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng hay ban hành một Nghị quyết có tính pháp lý trong thời gian ngắn hạn. Quy trình giảm thuế, hạ giá xăng dầu có thể sẽ được hiện thực hoá trong tháng 10 hoặc tháng 11. Như vậy, sẽ mất từ 4 đến 5 tháng nữa, người dân, doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh giá xăng dầu cao.

Thực tế, theo chuyên gia đến từ Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, quy trình giảm hai loại thuế kể trên không khác được bởi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT liên quan đến tổng thu ngân sách, là thẩm quyền của Quốc hội; các loại thuế phí khác không tác động lớn đến thu ngân sách là thuế bảo vệ môi trường sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Hiện, Bộ Tài chính vẫn chưa bật bí các phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, theo lý giải của một Thứ trưởng Bộ Tài chính cho phóng viên Dân Việt, phương án giảm hai sắc thuế trên vẫn phải đợi Chính phủ xem xét cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội.

"Chúng tôi mong muốn động thái này có thể giúp tâm lý người dân và thị trường được tốt hơn. Mong muốn giảm giá xăng dầu từ hạ thuế phí để giảm thiểu tác động khó khăn của khu vực doanh nghiệp, người dâu sau hai năm Covid-19", lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Mặc dù, phương án giảm thuế để hạ giá xăng dầu được đưa ra song để chờ đến khi chính sách đi vào cuộc sống sẽ còn mất khá nhiều thời gian.

Hiện tại theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore (tham chiếu giá điều chỉnh giá xăng dầu trong nước) cập nhật ngày 30/6 có xu hướng giảm nhẹ, giá xăng RON 92 còn khoảng 148 USD/thùng, xăng RON 95 là 155 USD/thùng. Một số doanh nghiệp đầu mối cho biết có thể giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm, nhưng sẽ nhẹ tuỳ vào việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, nguồn cung xăng dầu nhập khẩu khá khó khăn, so với 6 tháng năm 2020, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đến ngày 15/6/2022 chỉ tăng nhẹ 130.000 tấn, so với 6 tháng năm 2021, lượng xăng dầu nhập về Việt Nam dù được mở quota, van nhập để bù đắp trong nước thiếu hụt, nhưng cũng chỉ tăng khoảng 800.000 tấn.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/6, Việt Nam nhập hơn 4,4 triệu tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 4,5 tỷ USD, tăng. Trong đó riêng mặt hàng xăng là hơn 841.000 tấn, kim ngạch 970 triệu USD, dầu diesel là hơn 2,6 triệu tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD. 

Tuy nhiên, lượng xăng dầu nhập của các doanh nghiệp đầu mối có xu hướng giảm theo các tháng. Hết 2 tháng đầu năm, lượng xăng đầu nhập về Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, sang tháng 3/2022 lượng xăng dầu nhập tăng mạnh lên 1,3 triệu tấn (sau khi Bộ Công Thương có động thái mở quota nhập xăng dầu cho 10 thương nhân lớn). 

Tuy nhiên, các tháng 4/2022 trở đi, xăng dầu về Việt Nam nhỏ giọt, trong tháng 4, Việt Nam chỉ nhập được 820.000 tấn xăng dầu, tháng 5 là 760.000 tấn, nửa tháng 6 là 233.000 tấn… Lượng xăng dầu nhập về giảm dần, trong khi giá nhập đắt đỏ, doanh nghiệp đầu mối phải cân đối giá cực kỳ khó khăn bởi giá tăng gần gấp 2 làn so với cùng kỳ.

Cụ thể, nếu tính đến hết ngày 15/6/2021, lượng xăng dầu các loại nhập về Việt Nam đạt 3,68 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,97 tỷ USD (quy đổi khoảng 12,3 triệu đồng/tấn), thì hiện nay, lượng nhập 4,4 triệu tấn, kim ngạch đã ước đạt 4,5 tỷ USD (quy đổi 23,5 triệu đồng/tấn). Như vậy, giá nhập tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ở một diễn biến liên quan đến giá xăng, năm 2008, cách đây 14 năm khi kinh tế Mỹ bước vào cuộc khủng hoảng đắt đỏ, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới, giá dầu thô (tháng 6/2008) chạm ngưỡng cao nhất lịch sử hơn 147 USD/thùng, nhưng giá xăng bán lẻ trong nước vượt 19.000 đồng/lít. 

Giờ đây, khi giá dầu thô thế giới quanh ngưỡng 110 - đến ngưỡng cao nhất 120 USD/thùng, tức là thấp hơn giá đỉnh điểm cách đây 14 năm, nhưng xăng trong nước đã tăng gần 33.000 đồng, rõ ràng đó là một sự chênh lệch lớn có thể tác động mạnh đối với nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem