Dân Việt

Mô hình kinh tế tập thể ở Quảng Ninh chưa phát triển xứng tầm

Nguyễn Quý 05/07/2022 13:39 GMT+7
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá hoạt động các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) giai đoạn 2018-2022.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động nhằm tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ các mô hình KTTT. 

Trong đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết, hợp tác, mở rộng quy mô. Cùng với đó là các hoạt động tư vấn, dịch vụ, đào tạo nghề hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác.

Mô hình kinh tế tập thể ở Quảng Ninh chưa phát triển xứng tầm - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh có xuất xứ từ những tổ hợp tác kinh tế. Ảnh: Nguyễn Quý.

Giai đoạn từ 2018-2022, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức được gần 960 lớp tập huấn, chuyển giao, giới thiệu KHKT cho các hội viên, nông dân; mở 446 lớp đào tạo nghề cho trên 9.200 lao động nông thôn; tổ chức đưa 679 sản phẩm nông nghiệp của các HTX, tổ hợp tác đi giới thiệu và tiêu thụ tại các hội chợ, festival trong và ngoài tỉnh; đưa 242 sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, hoạt động trợ vốn cho các mô hình kinh tế tập thể được chú trọng thông qua vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các kênh tín dụng ngân hàng. Qua đó, đã giúp cho gần 30.000 hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất gắn với hình thành chuỗi liên kết.

Mô hình kinh tế tập thể ở Quảng Ninh chưa phát triển xứng tầm - Ảnh 2.

Việc hình thành, tham gia các hợp tác xã khiến cho các hộ trồng na ở Đông Triều phát triển kinh tế vững vàng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhờ những giải pháp đồng bộ đó, 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tư vấn, hỗ trợ thành lập 117 HTX và 70 tổ hợp tác, nâng tổng số HTX, tổ hợp tác toàn tỉnh lên gần 800. 

Các mô hình KTTT do tổ chức Hội Nông dân tư vấn, hỗ trợ nhìn chung đều hoạt động chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất, giúp nhau kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn… 

Nhiều HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, có những đóng góp nhất định vào sự phát triển KT-XH của địa phương, tạo được việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận, kiến nghị liên quan đến tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thành lập, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. 

Các HTX, tổ hợp tác do Hội tư vấn thành lập nói riêng và các HTX trên địa bàn toàn tỉnh nói chung có quy mô sản xuất nhỏ, chưa khẳng định được chất lượng sản phẩm dịch vụ trên thị trường. 

Trình độ quản lý của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nhiều cán bộ chủ chốt HTX chỉ được đào tạo qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày. 

Một số HTX thành lập chỉ là danh nghĩa, còn thực tế hoạt động là kinh tế tư nên ít có tác dụng thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển; có HTX hoạt động thiếu năng động, sáng tạo, chưa đảm bảo tính chất và nguyên tắc theo quy định của Luật HTX.

Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ ngành nghề như: Kết nối đầu ra, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản trị nhân lực…đã được hội nghị bàn thảo và thống nhất.