Quán cháo "Về đây em" vỏn vẹn khoảng 10m2 của vợ chồng ông Minh nằm ở địa chỉ 221/10 đường Phan Văn Khỏe, Phường 5, Quận 6, TPHCM tấp nập khách ra vào mỗi ngày, dù mưa hay nắng.
"Năm 2003, vợ vừa sinh người con thứ 2, tôi thì làm phụ hồ, gia đình không mấy dư giả. Chúng tôi nảy ra ý định mở quán cháo để xoay sở tạm", ông Minh nhớ lại lý do mở quán.
Thời điểm đó, mỗi tô cháo của vợ chồng ông bán giá 500 đồng. Đến năm 2012 thì tờ tiền mệnh giá 500 đồng ít người còn dùng nên ông bà tăng giá bán lên 1.000 đồng.
Ông Minh tận dụng mặt bằng sẵn có trước hiên nhà để bán hàng nên không mất tiền thuê. Hằng ngày, vợ chồng ông nấu cháo trắng bán kèm với đồ ăn. Nhờ thế, ông Minh có thời gian ở nhà chăm sóc vợ con đồng thời cũng có thêm khoản ra khoản vào trang trải cuộc sống.
Người mua 1.000 đồng, ông Minh sẽ múc một vá cháo trắng đầy. Cháo nấu có vị rất nhạt nên khách thường mua thêm đồ ăn kèm như cá kho, thịt kho quẹt, dưa cải muối, trứng vịt muối hoặc dưa ghém tùy sở thích. Những món này cũng chỉ có giá từ 3.000 đến 10.000 nghìn đồng.
Ngoài ra, quán "Về đây em" còn có hột vịt lộn, nước sâm và rất nhiều loại cá khô để buổi tối bán cho khách nhậu.
Hằng ngày, quán sẽ bán từ 15h đến khoảng 20h nhưng thường sẽ hết sớm. Với những ngày mưa, quán bán muộn hơn do vắng khách.
Khách hàng của quán thường là học sinh sinh viên, người lao động nghèo, mỗi ngày đều duy trì lượt khách ổn định.
"Nhờ sự ủng hộ của khách "mối" nên quán mới tồn tại được đến tận bây giờ. Có khách quen cứ hàng tuần là lại ghé tận 3 - 4 lần", ông Minh nói.
Ông Tư Nghĩa, một khách quen chia sẻ: "Quán này tôi ăn cũng ngót nghét 20 năm rồi, từ hồi mới lấy vợ. Lúc đó hai vợ chồng tôi lười nấu, vô tình ghé đây ăn mà trở thành khách ruột luôn. Nhiều lúc cuối tháng hay hết tiền phải thắt chặt chi tiêu là tôi lại ra đây ăn, phần vì cháo rẻ, phần vì muốn gặp hai anh chị để ủng hộ. Mấy mươi năm rồi mà vẫn bán giá này ở đây cũng không phải dễ dàng gì đâu, nên thấy thương dữ lắm.
Không tự nhận là mình nấu cháo ngon, ông Minh cho rằng, khách tới ăn vì cháo mình nấu cũng giống như ở nhà. Ai tới cũng thấy được khung cảnh rất quen thuộc, quán nhỏ nên khách thấy ấm cúng. Nhiều khách ngoại tỉnh cũng thấy ấm lòng vì đến đây được hỏi thăm như con cháu.
Ông Minh thường ghi lại những món khách đã gọi vào một quyển sổ nhỏ. "Có người đùa rằng vợ chồng tôi sợ người ta quỵt tiền nhưng thực ra là vì sợ tuổi già sẽ không nhớ hết được khách gọi món gì, lại tính tiền nhầm cho khách thì tội nghiệp, áy náy", bà Phượng cho hay.
Khi được hỏi về lý do tại sao vẫn không tăng giá, ông Minh cho biết: "Giá gạo thì không lên nhiều, mỗi ngày, quán nhà tôi thường chỉ bán khoảng 5kg nên tổng chi phí cũng không quá căng. Mặt bằng quán tôi cũng không mất tiền thuê nên bán ít lời ít. Thời buổi bây giờ ai cũng gặp khó khăn, xem như mình giúp đời giúp người. Người ta ăn nhớ tới mình, hay ghé lại, đó là cái phúc của mình".
* Bài có sự biên tập ở title