Đó là câu nói khá khó hiểu mà phóng viên phải nhờ đến Hòa thượng Thích Đạo Thành – Trưởng ban Tăng sự huyện Đức Trọng, Trụ trì chùa Pháp Vân giải thích thêm. Theo hòa thượng Thích đạo Thành, chùa làng có nghĩa là ngôi chùa được người dân địa phương đóng góp tiền của, công sức xây dựng nên. Trong khi đó, đa số những ngôi chùa còn lại trong "làng chùa Đại Ninh" lại thuộc sở hữu của tư nhân.
Clip: Khám phá chùa Pháp Vân - ngôi chùa lâu đời nhất trong "làng chùa Đại Ninh" với "con đường trị bệnh thân và tâm".
Đúng với tên gọi "làng chùa Đại Ninh", đi dọc theo con đường bê tông trong thôn Phú An có thể dễ dàng nhận ra những ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất rất gần nhau. Cứ cách vài chục đến vài trăm mét lại thấy những tấm bảng hướng dẫn đến các ngôi chùa. Thậm chí, có những tịnh xá còn nằm đối diện nhau ở hai bên đường.
Một người dân địa phương cho biết: "Ngôi chùa lâu đời nhất là chùa Pháp Vân. Ngôi chùa này thường được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Đức Trọng chọn để tổ chức Lễ Phật đản. Hàng năm khách du lịch về đây tham quan rất nhiều bởi có nhiều ngôi chùa đẹp và nổi tiếng như Phương Liên Tịnh Xứ, Vĩnh Minh Tự Viện, Tổ đình Tịnh viện Hương Nghiêm... Chỉ cần đi dọc các con đường bê tông trong thôn, các anh sẽ cảm nhận được sự bình an, thanh tịnh của khu vực này".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Hòa thượng Thích Đạo Thành chia sẻ: "Trước đây, khi người dân lập làng chỉ có khoảng hơn 10 nóc nhà. Người dân địa phương lấy một căn nhà để những ngày mùng 1 và 15 tập trung về để tụng kinh, niệm Phật. Cho đến năm 1968, Hòa thượng Thích Thiện Tâm từ Sài Gòn đến khu vực "làng chùa Đại Ninh" hiện hữu và lập nên chùa Pháp Vân để người dân đến tụng kinh, niệm Phật".
Bà Kră Jẵc K’ Suynh – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết: "Hai thôn Phú An, Phú Bình hiện tập trung gần 40 cơ sở tôn giáo là đạo Phật. Các cơ sở tôn giáo luôn luôn đồng hành cùng sự phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội của địa phương.
Cho đến nay, sau nhiều năm được thành lập, chùa Pháp Vân vẫn đang tiếp tục được tu sửa và xây dựng thêm để cho các tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng đến sinh hoạt đạo. Hiện, toàn bộ khuôn viên chùa nằm trọn trên quả đồi có diện tích khoảng 2,2ha.
Từ đó đến nay, sau nhiều năm chùa Pháp Vân được xây dựng thì cũng có nhiều ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất dần hình thành, tạo nên "làng chùa Đại Ninh" ở xã Phú Hội.
Điều đặc biệt nhất tại chùa Pháp Vân mà phóng viên được Hòa thượng Thích Đạo Thành giới thiệu đó là "con đường trị bệnh thân và tâm" làm từ 15.000 viên đá cuội nhỏ. Con đường có chiều dài 64m. Hai bên được đặt rất nhiều trụ đá tự nhiên có kích thước lớn, bề mặt khắc 100 bài kinh pháp chú. 100 bài kinh này là những bài pháp đối trị với ác tâm, tà tâm để hướng con người ra khỏi tham, sân, si.
"64 mét tương ứng với 64 quẻ. Nó là lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái theo quy luật âm dương ngũ hành. Khi đi trên con đường đó, bàn chân sẽ được kích huyệt bởi những hòn đá cuội lớn nhỏ, nhọn bằng khác nhau, trị bệnh thân. Khi con người ta đi trên con đường đó đau chân quá sẽ dừng lại nghỉ, khi nghỉ sẽ đọc những bài kinh pháp trú trên các cột đá để trị tâm bệnh.
Mỗi bên con đường được đặt 11 người tượng trưng gánh 3 chữ tâm. Ý nghĩa trong con người dù có ác đức đến mức nào thì vẫn có 11 thiện tâm sở. 11 thiện tâm sở đó sẽ gánh 3 chữ tâm là tâm quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ thì đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, vì vậy tâm chỉ an trú ở hiện tại mới có được hạnh phúc", Hòa thượng Thích Đạo Thành nói.
Ngoài con đường trị bệnh thân và tâm, trong chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là tượng cao nhất Việt Nam thời đó. Tượng được người dân địa phương và lực lượng Công binh của chế độ cũ xây dựng lên. Tượng được đặt hướng về hướng cầu Đại Ninh vì trước đây, trong thời chiến tranh có nhiều người chết. Vì vậy, Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã đặt tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát hướng về cầu để cầu nguyện và mong muốn người dân địa phương được bình an.
Chùa Pháp Vân cũng là ngôi chùa đầu tiên nằm ngay cạnh Quốc lộ 20 mà du khách cũng như các phật tử từ nơi xa đến nhìn thấy. Từ chùa Pháp Vân, đi theo con đường nhựa uốn lượn người ta dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa hay tịnh xá khác trong thôn Phú An mà phía sau đó đều chứa đựng những câu chuyện thú vị và độc đáo, chỉ có ở làng nhiều chùa nhất Việt Nam.