Sắp xếp bàn khách mời trong tiệc cưới như thế nào luôn là một bài toán khó đối với các cặp đôi mới cưới. Một cô dâu ở Sơn Tây, Trung Quốc, đã nảy ra một ý tưởng độc đáo là chia bàn của khách mời theo trình độ học vấn của họ: Bàn dành cho nghiên cứu sinh, bàn dành cho học viên cao học, bàn dành cho sinh viên ĐH.... Tuy nhiên, sau khi cách sắp xếp này bị phanh phui thì cư dân mạng lại tỏ ra bất bình vì cho rằng bị cô dâu phân biệt đối xử do trình độ học vấn.
Theo thông tin từ báo chí, ngay khi những hình ảnh về tiệc cưới tổ chức vào ngày 3 tháng 7 bị lộ ra ngoài đã ngay lập tức làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi của cư dân mạng xung quanh việc cô dâu đã lấy trình độ học vấn ra để sắp xếp bàn cưới với lý do tránh sự bối rối cho những khách mời không quen biết nhau cùng một bàn.
Một số lượng lớn cư dân mạng cho rằng việc sắp xếp chỗ ngồi trong tiệc cưới của cô dâu là hành vi "đặt mác sự nổi tiếng", hoàn toàn mang tính phân biệt đối xử về trình độ học vấn: "Nếu tôi là bạn học cấp 2 của cô ấy, tôi sẽ không bao giờ ngồi vào chỗ và bỏ đi ngay lập tức", "Thật là chu đáo khi làm việc này, nhưng việc ngồi chung bàn với một người không quen biết hoặc không biết rõ trong tiệc cưới không phải là điều đáng xấu hổ"....Những người khác thì nói đùa rằng nếu cô dâu đặt bảng tên của các trường ĐH hàng đầu thì nó sẽ không gây ra tranh cãi.
Bạn của cô dâu cũng cho biết, ý định ban đầu của cô dâu là mong mọi người có thể trò chuyện cùng nhau nhiều hơn, và "việc sắp xếp bàn tiệc đã được báo trước cho mọi người biết rồi", cả tiệc cưới cũng được sắp xếp tươm tất, khá hoàn hảo để hết tiệc không ai cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi trình độ học vấn, nhưng không ngờ lại gây tranh cãi bùng nổ trên mạng xã hội đến vậy.
Sự tranh cãi này bùng nổ bắt nguồn từ việc hệ thống giáo dục của Trung Quốc hướng tới thi cử. Một trong những hệ quả của nền giáo dục này là học sinh cũng bị phân cấp xã hội dựa vào điểm số đạt được. Ở trường, học sinh điểm cao được hưởng địa vị cao hơn. Bị phân chia địa vị xã hội ngay từ trường học đã ảnh hướng đến nhận thức của học sinh một thời gian dài, ngay cả khi đã rời mái trường và có việc làm. Cơ chế phân tầng địa vị vô tình sẽ theo học sinh từ trường phổ thông cho đến cuối cuộc đời.